Con người có thể nhìn thấy thế giới xung quanh một cách sống động là nhờ có võng mạc và phần trung tâm của võng mạc chính là điểm vàng.
Con người có thể nhìn thấy thế giới xung quanh một cách sống động là nhờ có võng mạc và phần trung tâm của võng mạc chính là điểm vàng. Nên khi điểm vàng bị thoái hóa, chúng ta bắt đầu nhìn thấy thế giới xung quanh một cách mù mờ, nhợt nhạt và méo mó. Nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời, thị lực sẽ suy giảm dần, thậm chí dẫn đến mất thị lực.
Nguyên nhân của căn bệnh này không chỉ liên quan đến tuổi cao, mà còn liên quan đến giới tính. Có nhiều bằng chứng cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2 lần nam giới. Song, ngày nay căn bệnh này không chỉ là “căn bệnh tuổi già”, bởi thời gian gần đây, có nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy ánh sáng xanh (Led, điện thoại, tivi, máy tính) là một trong những tác nhân đẩy nhanh tình trạng bệnh. Nghĩa là độ tuổi người mắc bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.
Bệnh thoái hóa điểm vàng là gì?
Điểm vàng là một bộ phận nằm tại vùng trung tâm võng mạc ở phần sau nhãn cầu, là nơi tập trung nhiều tế bào thần kinh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực. Điểm vàng giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh.
Bệnh thoái hóa điểm vàng (THĐV) hay còn gọi là bệnh thoái hóa hoàng điểm, là sự thoái hóa của tế bào điểm vàng khiến cho mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác dẫn đến giảm thị lực trung tâm làm cho hình ảnh được nhìn thấy bị mờ, phần chính giữa hình ảnh bị méo mó, biến dạng.
Qua ảnh hưởng của tuổi tác, chế độ dinh dưỡng, nếp sống và môi trường sống, điểm vàng có thể bị thoái hóa, dẫn đến thị lực của mắt sẽ suy giảm từ tạm thời đến vĩnh viễn.
Bệnh này có hai dạng: THĐV khô (chiếm 90%) và THĐV ướt (chiếm 10%). THĐV ướt tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng lại là nguyên nhân gây nên 90% tình trạng mất thị lực nặng ở một mắt trước.
Dấu hiệu nhận biết bệnh THĐV
Triệu chứng của bệnh THĐV là bị mờ thị lực trung tâm. Do đó, bệnh thường có dấu hiệu giảm thị lực khi đọc sách, lái xe hay làm những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, chính xác, hình ảnh trung tâm bị mờ, méo mó, biến dạng. Bệnh có thể xuất hiện ở cả hai mắt, ban đầu có thể bệnh xuất hiện ở một mắt trước.
Dấu hiệu của THĐV thể khô: THĐV thể khô chiếm khoảng 80-90% số trường hợp bị THĐV. Bệnh có thể xuất hiện và phát triển âm thầm 5-10 năm trước khi tình trạng suy giảm thị lực gây cản trở, khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Dấu hiệu của THĐV thể ướt: Thị lực trung tâm của bệnh nhân sẽ đột nhiên xấu đi. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sau: hình ảnh quan sát được bị biến dạng: đường thẳng có thể xuất hiện gợn sóng hoặc thành đường cong; xuất hiện điểm mù ở thị giác trung tâm. Điểm mù ấy sẽ ngày càng trở nên lớn hơn nếu bệnh nhân không được điều trị sớm; nhìn thấy ảo giác.
Ở THĐV thể ướt, những thay đổi ở thị lực của bệnh nhân thường xảy ra đột ngột và nghiêm trọng.
Ai dễ mắc bệnh THĐV?
Có khoảng 10-12% người trên 65 tuổi mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm nhưng đến độ tuổi trên 75 thì tỷ lệ đó đã lên tới 30%; phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam giới; những người mắc bệnh đái tháo đường; người có nồng độ cholesterol trong máu cao; người bị bệnh tim mạch; những người hút thuốc lá; thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời...
Bệnh THĐV có thể chữa được không?
Hiện không có phương pháp điều trị hữu hiệu nào đối với THĐV thể khô.
Đối với điều trị THĐV thể ướt: Có thể điều trị bằng phương pháp laser trị liệu ban đầu được sử dụng để đốt cháy, hủy diệt các mạch máu mới, tuy nhiên phương pháp này chỉ có thể thực hiện với một số trường hợp.
Bệnh thoái hóa hoàng điểm không thể phòng ngừa được nhưng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng chế độ dinh dưỡng và phương pháp chăm sóc mắt hợp lý: khám mắt định kỳ ở các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh; đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt sớm ngay khi bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào; không hút thuốc lá; thực hiện chế độ ăn ít chất béo, nhất là ít chất béo no và ít năng lượng; bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và một số chất chống ôxy hóa.
BS. Minh Châu
Theo suckhoedoisong.vn