Cập nhật: 25/12/2016 08:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm phế quản mạn tính (VPQMT) là một bệnh hay gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi, bệnh rất dễ tái phát...

 

Thăm khám cho bệnh nhân mắc viêm phế quản mạn tính.

Viêm phế quản mạn tính (VPQMT) là một bệnh hay gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi, bệnh rất dễ tái phát, nhất là lúc thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh, hoặc khi thời tiết nóng lạnh thất thường... VPQMT nếu không được chữa trị đúng có thể dẫn đến biến chứng, đặc biệt là gây tắc nghẽn phế quản.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh VPQMT, trong đó do sự giảm chức năng đề kháng của cơ thể đóng vai trò khá quan trọng. Khi sức khỏe bị sa sút, vi sinh vật gây bệnh rất dễ xâm nhập, thêm vào đó có một số yếu tố thuận lợi gây nên VPQMT, đó là nghiện thuốc lá, thuốc lào, sống trong môi trường ô nhiễm, có nhiều bụi, khói (khói công nghiệp, khói bếp, nhất là bếp than, bếp đun rơm, rạ, củi). Hoặc người có cơ địa bị dị ứng, đặc biệt là dị ứng đường hô hấp (hen suyễn) hoặc dị ứng với thời tiết, nhất là thời tiết ẩm, ướt, lạnh, khô hanh. Hoặc gặp ở người bị viêm phế quản nhiễm khuẩn mạn tính, kéo dài, hen phế quản (viêm phế quản co thắt) ngay từ lúc còn nhỏ tuổi hoặc có một số dị dạng về khung xương sườn, cột sống (gù vẹo cột sống...). Một số trường hợp VPQMT do bị viêm phế quản cấp không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm (thông thường do tự mua thuốc để điều trị).Thăm khám cho bệnh nhân mắc viêm phế quản mạn tính.

Triệu chứng của VPQMT

VPQMT thường có 3 hiện tượng, đó là ho, khạc đờm nhầy hoặc mủ và khó thở. Giai đoạn đầu của bệnh VPQMT, người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ một đến vài tuần, mỗi năm có khi xảy ra ho, khạc đờm nhầy đến 5 - 6 lần. Đờm của người VPQMT thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài, gây ho càng nhiều và đờm ngày càng đặc hơn và đổi màu (thường là màu vàng). Khối lượng đờm do ho, khạc ra trong một ngày có khi lên tới 100ml hoặc hơn thế nữa. Những tháng sau, năm sau, ho ngày càng tăng, số lượng đờm tăng dần và bệnh VPQMT cũng càng nặng hơn (mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài tuần và số lần ho cũng tăng một cách đáng kể) và khó thở nhiều hơn. Lúc đầu người bệnh chỉ mới cảm thấy nặng ngực (giống như hen suyễn), dần dần là khó thở thực sự.

Biến chứng của VPQMT

Bệnh VPQMT xảy ra càng lâu, bệnh càng nặng gây nên sự thiếu hụt không khí càng nhiều, từ đó gây rối loạn chức năng hô hấp một cách đáng kể. Do đó, người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (mệt mỏi, buồn ngủ, tim đập nhanh...). Nếu không được điều trị đúng, dứt điểm, bệnh có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn, khí phế thũng, giãn phế quản.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị viêm phế quản cấp, cần được khám bệnh và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự chẩn đoán và tự điều trị, nhất là dùng kháng sinh không theo đơn thuốc của bác sĩ bệnh càng dễ thành mạn tính và làm cho vi khuẩn kháng thuốc rất khó điều trị.

Chuyển mùa, bệnh VPQMT rất dễ tái phát, nhất là ẩm ướt, mưa nhiều, lạnh giá, khô hanh. Vì vậy, cần tránh lạnh đột ngột như tắm rửa bằng nước ấm trong buồng kín gió, mặc ấm nhất là vùng cổ, ngực. Ngủ cần đủ ấm, khi ra khỏi nhà cần mặc ấm, đầu có mũ len, tay, chân đi tất và đeo khẩu trang. Khi đã mắc bệnh VPQMT, người bệnh tuyệt đối không hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói (khói bếp, khói công nghiệp), bụi (cần đeo khẩu trang khi ra đường, lúc quét dọn nhà cửa). Cần tập thể dục đều đặn hằng ngày, lưu ý tập thở (hít sâu, thở ra nhịp nhàng).

BS. Việt Thanh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm