Sau gần 50 năm binh nghiệp, ông là vị tướng trận đam mê âm nhạc và vui với những ca khúc do mình sáng tác.
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc
Một lão ông hiền hậu, 84 tuổi, ôm máy trợ tim gần 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica. 44 năm trước là những kỷ niệm sâu sắc cuộc đời lính tên lửa “Cận vệ đỏ” Hà Nội Điện Biên Phủ trên không mùa đông 1972, sau gần 50 năm binh nghiệp, ông là vị tướng trận đam mê âm nhạc và vui với những ca khúc do mình sáng tác.
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, là một vị tướng trận hiếm hoi trong hàng tướng trận Việt Nam sau chiến trận lấy âm nhạc làm thú vui. Và sáng tác ca khúc, như một niềm đam mê, như một cách thư nhàn với cuộc sống của một tướng trận thời bình.
Cũng như tài tham mưu tác chiến của ông năm xưa “bách chiến bách thắng”, những ca khúc của ông cũng biểu lộ một tài hoa âm nhạc và có “duyên” với những cuộc hội diễn Binh chủng, ngành Quân y, trên sóng phát thanh VOV, VTV và còn đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc cho ca khúc của mình.
Tướng trận “Cận vệ đỏ”
44 năm trước, ông là Thiếu tá, Tham mưu phó Sư đoàn Phòng không F.361 Hà Nội- Sư “Cận vệ đỏ”, đặc trách về tên lửa. Trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, các đơn vị của F.361, trong đó có sự tham gia chỉ huy trực tiếp của ông, đã bắn rơi 11 máy bay B.52.
Đặc biệt ngay đêm đầu tiên 18/12/1972, 2 tiểu đoàn 77 & 59, F.361 đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B.52, mở đầu chiến dịch bắn diệt B.52 của Mỹ trong 12 ngày đêm của các đơng vị Phòng không- Không quân. Đây là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời binh nghiệp của ông.
Hơn 62 năm trước, mới 21 tuổi, ông đã là Đại đội trưởng Đại đội 56, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, chỉ huy một đại đội bộ binh pháo nhỏ gồm 9 khẩu cối 81 ly và 3 khẩu pháo không giật ĐKZ 57 ly đi theo sát bộ binh, chiến đấu ngoan cường suốt 31 ngày đêm liền trên đồi C1 và C2.
Sau đó tham gia lưc lượng địch vận trên chiến trường Mường Thanh- Hồng Cúm- Him Lam. Trong hành trang lính của ông luôn có cây kèn Harmonica, tài thổi kèn đã tình cờ đưa ông được sung vào lực lượng địch vận, thổi kèn cho lính Pháp chiếm đóng trên đồi C1 nghe.
Ông kể, bản nhạc hay thổi nhất hồi ấy là “One day”, lính Pháp nhiều khi ngưng tiếng súng để nghe, và lợi dụng kẽ hở này mà quân ta đã triển khai đội hình đánh chiếm đồi C1.
Những ca khúc của Tướng trận
Có lẽ ông là một vị tướng trận hiếm hoi, sau những khói lửa binh đao chiến trận là bình yên thả hồn với những nốt nhạc. Không chỉ nghe, thưởng thức, ông còn trực tiếp chơi và sáng tác nhạc, như một cách cân bằng cuộc sống, và để như một cách cống hiến cho đời chút gì ở quãng sau cuộc đời binh nghiệp, như ông thường nói.
Tính đến nay ông đã có trong tay 12 ca khúc, trong đó 2 ca khúc dành riêng cho tình yêu tên lửa của ông: Người canh giữ bầu trời- trở thành bài ca của Quân chủng Phòng không- Không quân và Kíp săn B.52- ca ngợi những người lính trắc thủ tên lửa, 2 ca khúc này đã được phát trên sóng VOV.
Năm 2014, ông sáng tác ca khúc Hoan hô chiến sĩ Điện Biên như một cách nhớ lại kỷ niệm của chính ông và các đồng đội ở chiến trường Điện Biên Phủ, kỷ niệm không thể quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ca khúc nhanh chóng được thu âm và phát sóng trên VOV để kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ông kể hơn nửa cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với Hà Nội, nên tình yêu của ông với Hà Nội như một chốn quê, một cõi nhớ, một vết khắc sâu sắc trong trái tim, tâm hồn ông.
Ông viết 2 ca khúc về Hà Nội như một sự rung cảm của mối tình nồng nàn : Hà Nội, em và tôi, Nhớ mãi Hà Nội. Đặc biệt trong 2 ca khúc này, ông vẫn dành những dòng nói về Bác Hồ và “Điện Biên Phủ trên không”. Các ca khúc này cũng đều đã được phát sóng trên VOV, VTV…
Ông cũng không quên cái nôi cuộc đời binh nghiệp là trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, nên dành cho ngôi trường xưa một ca khúc thật ấm áp : Thăm trường cũ nhớ người xưa, dựa theo lời thơ của một cựu học sinh của trường là Nguyễn Hoàng.
Cho dù đã qua thời chinh chiến, đã qua những trận mạc ác liệt, nhưng trong ông, bầu trời trong veo với những cánh chim tự do vẫn luôn là khát vọng hòa bình trong ông. Ông có hai ca khúc phổ thơ của đồng đội: Chim ơi đừng mỏi cánh (Thơ Hòang Khánh- nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) và Chim nhạn (Thơ Trần Văn Giang- Chính ủy F.361).
Sống an vui với máy trợ tim nên ông đặc biệt dành tình yêu cho ngành y với ca khúc Hoa màu trắng, giai điệu tha thiết, trìu mến và nhiều chất thơ. Ca khúc đã được ngành Quân y dàn dựng hội diễn toàn quân nhiều lần và VOV thu phát sóng.
Để làm vui cho cháu ngọai của mình, cũng như một tình yêu khác trong trái tim vị tướng trận thời bình, ông sáng tác một ca khúc thiếu nhi : Em đến trường. Ca khúc đã được phát nhiều lần trên sóng HTV, và in trong báo thiếu nhi.
Âm nhạc là cảm xúc bình yên.
Hỏi ông điều gì đã làm ông say mê âm nhạc, ông cười rất hiền: Ngay từ khi còn là học viên trường Trần Quốc Tuấn, tôi đã biết thổi kèn harmonica, và đó là cách giải trí cũng như sinh hoạt văn nghệ trong quân ngũ. Một cách cân bằng những căng thẳng cuộc chiến.
Sau này về hưu, tôi thấy âm nhạc như một cách thể hiện tíếng lòng của mình, những cảm xúc của mình và cũng là cho mình thăng bằng khi rời binh nghiệp, đối diện với cuộc sống mới.
Ông chia sẻ : Khi cảm xúc từ trái tim hòa vào tâm hồn thì tự dưng như ngân lên những giai điệu, và tôi chỉ việc viết ra. Tôi con nhà lính Phòng không- Không quân, nên tôi cảm nhận sâu sắc về binh chủng này, và ưu tiên số một trong âm nhạc của tôi cũng là về kỷ niệm binh nghiệp.
Ông chơi đàn piano rất giỏi, chơi rất hay những bản nhạc Nga, bởi ông từng học Pháo phòng không và thời gian dài làm Tùy viên quân sự ở Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Ông cũng biết chơi đàn guitar rất hay, có thể vừa đàn vừa hát nhiều bản tình ca. Ông cũng biết chơi đàn organ và chơi những tiết tấu quân hành rộn ràng trên đàn.
Nhưng ông lại rất gắn bó và yêu thích cây kèn Harmonica, trong túi áo ông lúc nào cũng có cây kèn, và bất kể lúc nào có thể, ông lại rút cây kèn ra thổi vài khúc nhạc. Ông cho biết cây kèn của thời địch vận Điện Biên Phủ đã nằm ở Bảo tàng Quân đội, cây kèn hiện ông đang dùng cũng được vài chục năm.
Ông sáng tác nhạc chủ yếu dựa vào cây kèn Harmonica và guitarr, thi thoảng có organ hỗ trợ, nhưng chủ yếu là cây kèn vì có thể bất chợt một khúc nhạc nảy ra trong đầu, thì có ngay cây kèn để thể hiện...
Khi hỏi ông thường thích nhịp điệu nào trong âm nhạc, 2/4 hay 4/4 hay 3/4 ông hào hứng : Tôi thường lấy nhịp 2/4 làm chủ đạo, vì nó có thể biến tấu sang các nhịp khác. Và hơn nữa, đây là nhịp phổ thông, dễ hát, dễ cảm nhận. Tôi cũng thích những nhịp điệu mạnh như các khúc quân hành 4/4. Nó như âm thanh của sự sôi động, nhiệt huyết, vui vẻ…Nhưng tôi lại thích những bản tình ca theo điệu valse 3/4, nghe dìu dặt, tha thiết và lãng mạn..
Những ngày tháng 12, ông luôn được mời làm nhân vật trong các sự kiện liên quan đến các ngày kỷ niệm Toàn quốc kháng chiến, Điện Biên Phủ trên không, Thành lập Quân đội Nhân dân… Và ông lại hào hứng hát hoặc lắng nghe những ca khúc của mình trên sân khấu, trên sóng phát thanh, truyền hình./.
Theo CTV Hoài Hương/VOV.VN