Do axit uric tăng cao trong máu có liên quan đến việc ăn nhiều đạm động vật và uống nhiều rượu bia, đây là lý do nam giới bị bệnh tăng axit uric nhiều hơn phụ nữ.
Tăng axit uric trong máu dễ gây bệnh gút.
Do axit uric tăng cao trong máu có liên quan đến việc ăn nhiều đạm động vật và uống nhiều rượu bia, đây là lý do nam giới bị bệnh tăng axit uric nhiều hơn phụ nữ. Vì vậy, chỉ số xét nghiệm máu khi khám sức khỏe được nhiều nam giới quan tâm nhất hiện nay là acid uric. Axit uric thế nào là cao? Khi nào cần dùng thuốc điều trị? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết.
Phân biệt chứng tăng axit uric và bệnh gout (gút)
Axit uric là một chất thừa, sản phẩm của chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric. Đây là nguồn axit uric nội sinh. Ngoài ra, những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (nhất là nội tạng, hải sản…) cũng có nhân tế bào, khi được ăn vào cơ thể cũng sẽ chuyển hóa thành axit uric. Axit uric được thải loại 80% qua đường niệu, 20% qua đường tiêu hóa và da. Bên cạnh đó, rượu bia có tác dụng kích hoạt men xanthine oxidase gây tăng sản xuất acid uric. Trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, khi nguồn tạo ra axit uric nhiều nhưng thải ra ít thì sẽ làm cho axit uric bị giữ lại trong máu, sẽ lắng đọng trong các mô. Nơi axit uric thường lắng đọng nhất là các khớp và gây ra bệnh đặc trưng là gút. Ngoài ra, axit uric còn lắng ở tim gây ra bệnh tim mạch, lắng ở thận gây ra suy thận, lắng ở đường niệu gây ra sỏi thận. Tuy nhiên, có những trường hợp axit uric trong máu rất cao do nó được tạo ra nhiều mà thải ra ít thì người ta gọi là tăng axit uric máu chứ không gọi là bệnh gút.
Trên thực tế, rất nhiều người cho rằng cứ tăng axit uric máu là bệnh gút và dùng thuốc điều trị gút. Đây là quan niệm sai lầm vì chỉ coi là có bệnh gút khi tăng axit uric máu đi kèm với sự lắng đọng axit uric và gây tổn thương ở khớp hay những tổ chức khác. Ðiều trị những cơn viêm khớp do gút khác với điều trị tăng axit uric trong máu.
Axit uric trong máu bao nhiêu là cao, cần điều trị khi nào?
Bình thường, lượng axit uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7mg/dl. Được coi là tăng khi lượng axit uric trong máu cao hơn giới hạn bình thường. Khi bị tăng axit uric, có cần dùng thuốc điều trị ngay không? Đây là câu hỏi mà nhiều người rất quan tâm.
Với chứng tăng axit uric máu không có triệu chứng, các trường hợp tăng axit uric máu ở mức độ trung bình (dưới 10mg/dl), người bệnh cần được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp để cơ thể không tạo ra thêm axit uric. Cụ thể, bệnh nhân phải hạn chế ăn đạm động vật, ăn nhiều rau quả, không được uống rượu bia. Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn uống mà axit uric vẫn cao mới cần dùng thuốc.
Thông thường, khi axit uric ở mức trên 12mg/dl, nguy cơ bệnh tim mạch cận kề thì cần dùng thuốc điều trị hạ axit uric. Các trường hợp khác đều không có chỉ định dùng thuốc, trừ bệnh nhân có tình trạng hủy tế bào quá nhiều, xuất hiện sự sản xuất axit uric cấp tính như ở bệnh nhân ung thư phải hóa trị hoặc xạ trị thì có thể dùng liệu pháp dự phòng tăng axit uric máu nhằm tránh tình trạng suy thận cấp do tăng lắng đọng tinh thể urat ở ống thận.
Các trường hợp đặc biệt, xét nghiệm thường xuyên có tình trạng tăng axit uric trên 10mg/dl mà kháng với các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống, hoặc có tiền sử gia đình bị gút, bị sỏi thận kèm tăng axit uric máu, có dấu hiệu tổn thương thận đều cần phải dùng các thuốc giảm axit uric.
Thuốc được lựa chọn để điều trị hội chứng tăng axit uric máu là thuốc ức chế men xanthin oxydase làm giảm tạo thành axit uric như allopurinol, thiopurinol hoặc thuốc tiêu axit uric (enzym uricase). Lưu ý, không dùng nhóm thuốc tăng thải axit uric qua thận như probenecid ở những bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau: tiền sử hoặc đang có sỏi thận, suy thận, có hạt tophi và giảm bài tiết urat qua thận.
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Rất nhiều trường hợp tăng axit uric máu không có triệu chứng thường nóng vội muốn dùng thuốc để lượng axit uric về bình thường. Điều này là không cần thiết. Ngược lại, với lợi ích ít ỏi thu được là việc bệnh nhân phải mất nhiều chi phí cho điều trị cũng như tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng do dùng thuốc.
Thuốc hạ axit uric thông dụng nhất và hiệu quả được sử dụng phổ biến là allopurinol. Tuy nhiên, thuốc là “con dao hai lưỡi” nên sử dụng phải thận trọng và đúng chỉ định. Thực tế cho thấy, allopurinol có nhiều tác dụng phụ mà nhiều người gặp phải tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc này, đó là: gây tổn thương da, ở mức độ nhẹ là ngứa, nặng hơn là nổi mẩn đỏ, mề đay, nặng nhất là hội chứng Steven Johnson. Khi bị hội chứng Steven Johnson, việc điều trị rất khó khăn, lâu dài và bệnh nhân có thể bị tử vong. Ngoài ra, nếu sử dụng allopurinol không đúng còn thúc đẩy bệnh nhân có tổn thương thận tiềm tàng sang suy thận. Khi đang dùng allopurinol, cần tránh sử dụng các kháng sinh nhóm penicillines, đặc biệt là ampicilline và amoxyclin vì allopurinol làm tăng khả năng dị ứng của các kháng sinh này lên nhiều lần.
Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần theo dõi và đề phòng bị phản ứng thuốc, thông báo với bác sĩ kịp thời để được tư vấn phải ngưng thuốc hoặc cần đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
DS. Minh Đức
Theo suckhoedoisong.vn