Trong thời gian gần đây, hiện tượng bạo lực học đường diễn ra ngày một nhiều. Theo TS. Vũ Thu Hương, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực trên như áp lực học tập, áp lực tâm lý... Khi xảy ra bạo lực học đường, cha mẹ thường cho rằng mình vô tội. Vậy, cha mẹ có thật sự vô tội khi xảy ra bạo lực ở trẻ nhỏ?
Theo TS. Vũ Thu Hương, cha mẹ thực sự rất nhiều tội.
1. Khi con còn bé, mỗi lần các cháu bị ngã, thay vì để con tự đứng dậy, có không ít các bậc phụ huynh chạy cuống lại đỡ con lên và tiện tay đập cái bàn hoặc cái mặt đất vài cái rồi mắng đồ vật đó làm cho con đau. Đây là biện pháp rất tốt để con phát triển tính ăn vạ và đổ lỗi cho mọi việc. Đồng thời, con học được cách giải quyết mọi việc bằng bạo lực.
2. Khi con đi học mầm non, mỗi khi con bị bầm hoặc xước, cha mẹ thường tỏ thái độ quá tức giận. Tôi đồng ý là cha mẹ nào cũng xót con. Nhưng phản ứng thái quá sẽ chỉ làm con thấy tự coi trọng quá mức những cảm giác, cảm xúc của chính mình mà quên đi những cảm giác của người khác. Đặc biệt, chúng ta quên mất rằng 50% những vụ "tai nạn" đó là do chính con mình gây ra do các cháu chưa khéo léo hoặc cũng có thể do chính các cháu xông vào đánh các bạn khác. Phản ứng bênh con tức thì sẽ khiến con trẻ không nhận thức đúng đắn mọi việc mà tự động bênh bản thân ngay khi sự việc xảy ra.
3. Khi con đi học tiểu học, nếu có xích mích với bạn bè, không ít cha mẹ đáp lại lời kể của con về sự vụ đó như sau: "Không chơi với thằng/con đó nữa. Tâm lý cha mẹ luôn nghĩ con mình hiền, con mình vô tội mà quên mất rằng mọi mâu thuẫn đều đến từ 2 phía. Nếu cứ xét đoán mọi việc lệch chiều thì sớm muộn con cũng trở nên xấu chơi với bạn bè và sau này con đánh bạn hoặc trả lời máu thuẫn bằng nắm đấm là bình thường thôi.
4. Không dạy con kiên nhẫn. Trong cuộc sống đôi lúc cần sự nhanh nhẹn, tiết kiệm thời gian để làm được nhiều việc. Tuy nhiên, bên cạnh những lời giục giã, đôi khi ta cần dạy trẻ sống chậm lại, kiên nhẫn đợi để hoàn tất một việc gì đó. Ví dụ như: xếp hàng mua đồ, xếp hàng chờ đến lượt mình trong một công việc nào đó. Việc này đòi hỏi cha mẹ cần phải làm gương. Những hành vi chen ngang của cha mẹ, nóng vội giải quyết việc của mình mà không để ý xem mình đã gây ra ảnh hưởng thế nào với người xung quanh sẽ là tấm gương xấu cho con học hỏi.
5. Cha mẹ cũng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Chúng ta nên hiểu rõ: bạo lực ở đây không chỉ có nắm đấm, những lời chửi bới, thóa mạ, nhưng cách xưng hô tục tĩu khi tức giận cũng là một bài học xấu sẽ tiêm nhiễm vào đầu con trẻ sớm hơn chúng ta tưởng. Và khi đã vào đầu con, chúng sẽ được biến tướng thành nhiều thể loại để con biểu hiện ra hung hãn hơn, dã man hơn.
6. Thái độ ăn vạ của chính cha mẹ. Chắc nhiều bạn ngạc nhiên lắm khi tớ nói điều này. Nhưng thực tế nhiều cha mẹ lớn rồi còn ăn vạ. Tôi đã từng chứng kiến nhiều bác trai đi đường sai luật, nhưng khi va chạm, dù không bị làm sao nhưng vẫn nằm lăn dưới đất, trợn mắt quát người va chạm với mình. Kể cả khi có tiếng nói xác định bác ấy sai, bác ấy vẫn quát người kia: sao mày không đỡ tao đứng dậy. Có thể nói, luôn cố tìm cách để thắng thế trong mọi hoàn cảnh là tâm lý của một số nhân vật, nhưng tâm lý này không chỉ làm hại chính những nhân vật đó mà còn có thể ảnh hưởng đến nhân cách trẻ.
7. Sử dụng bạo lực để dạy con. Tấm gương sử dụng bạo lực giải quyết các vấn đề là đây. Có hình ảnh này hàng ngày để học hỏi, lý do gì mà trẻ không xử lý lẫn nhau bằng bạo lực chứ?
8. Can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con ở trường. Hai đứa trẻ mâu thuẫn là việc dễ xảy ra nhất, đặc biệt khi chúng bị nhốt chung với nhau suốt cả ngày, cả tuần. Nếu cha mẹ của 1 bên xử riêng bé bên kia hoặc lôi giáo viên, nhà trường vào cuộc thì mâu thuẫn không những không giải quyết được mà sau này bọn trẻ sẽ cứ thế mà tiếp tục xử nhau bằng bạo lực. Hoặc cha mẹ thường can thiệp vào việc dạy học của cô ở trường cũng làm con dễ nảy sinh bất mãn và gây mâu thuẫn với các bạn trong lớp. Bên cạnh các tác động xã hội, những ảnh hưởng trong hành vi cư cử thô lỗ nếu có của các cha mẹ sẽ là tác nhân gây ra tính cách hung bạo, thích cư xử bằng bạo lực của trẻ. Tớ vẫn nói: cha mẹ là số phận của con cái, có lẽ điều này đúng nhất trong những việc hình thành nhân cách trẻ. Thận trọng, kiên nhẫn và tôn trọng con, tôn trong thế giới riêng của con chính là cách hay nhất để tạo cho con cách cư xử ôn hòa. Tớ lại tiếp tục với chủ đề Đạo đức, hi vọng mọi người không chán. Chúc cả nhà một ngày làm việc hiệu quả.
TS. Vũ Thu Hương
Theo suckhoedoisong.vn