Một góc thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: LƯ QUYỀN
Suốt chiều dài phát triển, lịch sử của đô thị Đà Nẵng gắn liền với biển. Đà Nẵng giống con tàu khổng lồ bên bờ sóng mà bán đảo Sơn Trà là chiếc mỏ neo, neo thành phố vào vững chãi Trường Sơn. Một nhạc sĩ địa phương viết về vùng đất này rằng “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi”, quả đúng…
Tên gọi Đà Nẵng từng được nhiều nhà nghiên cứu dày công truy gốc, nhưng gốc nào cũng gắn với nước, với sông, với biển. Ông Vũ Hùng, một người viết sử, qua tìm hiểu đã cung cấp thông tin, nguồn gốc tên gọi Đà Nẵng là biến thể của từ Chăm cổ: Daknan (dak: nước, nan: rộng). Nếu giả thiết này đúng thì “khai danh” của thành phố là chỉ vùng sông nước mênh mông, nơi cửa sông gặp biển. Cũng theo ông Vũ Hùng, từ chữ Daknan mà người Trung Quốc ở Hải Nam đọc chệch là Tounan và người Pháp chệch thêm thành Touranne. Đó là chưa nói đến thông tin của nhà nghiên cứu người Chăm - TS Sakaya: Trong ngôn ngữ dân tộc Raglay có hẳn một từ “danang” với nghĩa “con sông nguồn”. Đó có phải là sông Hàn chảy về từ miền cao, đổ vào vịnh Đà Nẵng trước khi hòa cùng biển cả?
Trong quá khứ, Đà Nẵng luôn hiện hữu trên bản đồ Tổ quốc là một vùng đất gắn liền với biển, là cửa ngõ giao thương của Việt Nam ra thế giới bên ngoài. Từ thế kỷ XVI - XVII, lúc chưa trở thành trung tâm thương mại lớn, Đà Nẵng đã là “cảng tạm dừng” của các tàu thuyền lớn đến đặt quan hệ buôn bán với cảng thị Hội An. Đến thế kỷ XIX trở đi, do những thay đổi tự nhiên, sông Cổ Cò nối Đà Nẵng với Hội An bị bồi lấp, cửa Đại Chiêm vừa bị trống gió vừa bị bồi lấp thì ưu thế cửa biển Đà Nẵng mới được phát huy. Đà Nẵng lúc này trở thành cửa biển duy nhất ở nước ta tiếp đón thương nhân nước ngoài. Năm 1835, vua Minh Mạng ban chiếu: “Lệ tàu phương Tây đậu ở cửa Đà Nẵng, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán. Phép nước rất nghiêm, chẳng nên làm trái…”. Khi được lựa chọn là địa điểm giao thương chính với nước ngoài, từ thời nhà Nguyễn, cảng biển Đà Nẵng có thêm điều kiện khởi sắc. Tàu thuyền các nước Á, Âu cập bến càng ngày càng đông. Theo Châu bản triều Nguyễn, riêng tàu các nước phương Tây đến Đà Nẵng năm 1803 có một chiếc, 1804 có hai chiếc. Đến thời Minh Mạng thì nhiều, hầu như năm nào cũng có bốn đến năm chiếc, cộng cả tàu Trung Hoa thì có khoảng 40 đến 50 chiếc…
Trích lục đôi dòng để thấy, từ sự lựa chọn chính xác của tiền nhân mà ngày hôm nay chúng ta đã có một thương cảng Đà Nẵng phát triển vượt bậc. Đến giữa tháng 12-2016, Cảng Đà Nẵng đạt 7,26 triệu tấn sản lượng hàng hóa, trong đó riêng công-ten-nơ đạt sản lượng 320 nghìn TEUs, tăng lần lượt 13% và 24% so với năm trước. Cảng cũng chứng tỏ vai trò của mình trong phát triển du lịch thành phố, riêng năm 2016 đã đón 73 lượt tàu với 135 nghìn du khách và thuyền viên cập bến. Mới đây nhất, tàu du lịch hạng sang và lớn nhất thế giới Genting Dream dài 335 m, chở 3.500 khách, đã cập cảng Đà Nẵng. Tàu hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển của các quốc gia như: Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Ô-xtrây-li-a… cũng thường xuyên đến Đà Nẵng trong các cuộc tham quan, làm việc hay thực hiện các sứ mệnh xã hội.
Hướng về biển, khai thông tư duy, mở rộng con đường tiến ra biển lớn là khát vọng bao đời của người dân thành phố. Khát vọng đó đang dần trở thành hiện thực. Quyết tâm và táo bạo, từ gần 20 năm trước, thành phố đã xây những cây cầu lớn vượt sông, đã thực hiện dự án Bạch Đằng Đông và nhiều dự án khác, biến vùng đất nghèo khó, heo hút phía bờ đông sông Hàn trước kia thành một vùng đô thị sầm uất và đầy năng động. Những cây cầu, những con đường, những dự án và tư duy mở đã giúp thành phố “lớn hơn”, vĩnh viễn xóa những khu “nhà chồ” nhếch nhác, những chuyến phà chậm chạp, nặng nề mùa bão lũ, và hơn nữa, xóa tan những mặc cảm trăm năm và khai phóng nguồn năng lượng tiềm ẩn trong mỗi người dân, mỗi ngõ phố, đường làng. Không có sự đột phá kỳ diệu ấy, sẽ không có hình ảnh quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đẹp mê đắm hôm nay, cũng sẽ không thể có những dự án du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế trải dài ven biển. Đà Nẵng đang trở nên hiện đại, trẻ trung.
Hướng về biển, bởi Đà Nẵng có chiều dài bờ biển hơn 30 km, có hệ thống bãi biển đẹp mà tiêu biểu là Mỹ Khê được tạp chí Fobers (Mỹ) đánh giá là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Báo New York Times năm 2015 đã từng nhận định Đà Nẵng là “điểm đến lý tưởng trên thế giới”. Mới đây, trang tin điện tử The Richest (Ca-na-đa) đã xếp Đà Nẵng đứng thứ sáu trong số 10 thành phố tiến bộ nhất hành tinh mà du khách nên đến tham quan. Hướng về biển, bởi Đà Nẵng còn có một “núm ruột” Hoàng Sa giữa sóng gió trùng khơi, minh chứng sống động của chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hành trình ra biển lớn, Đà Nẵng đã và đang phát huy lợi thế biển của mình. Cùng với việc đầu tư cho khai thác và chế biến hải sản, du lịch là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển thành phố. Năm ngoái, lần đầu tiên Đà Nẵng đăng cai cuộc đua thuyền buồm lớn nhất thế giới mang tên Cliper Race (2015-2016) và tổ chức thành công Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG5). Rồi những hoạt động thể thao đại chúng như ma-ra-tông quốc tế, Đôi chân trần trên biển, trình diễn pháo hoa quốc tế,… cùng rất nhiều, rất nhiều những hoạt động gắn với văn hóa biển. Đó là cách Đà Nẵng khẳng định về năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế và cũng là cơ hội để thành phố tự giới thiệu về mình, xúc tiến du lịch tại chỗ và trực tiếp gửi lời mời gọi đầu tư...
Không có màn pháo hoa trong lễ mừng năm mới và đón chào kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, nhưng trong lòng mỗi người dân thành phố đang rạo rực niềm tự hào về những thành quả của tháng ngày đã qua. Từ điểm mốc hôm nay, thành phố đón nhận nhiều cơ hội và cả muôn vàn thách thức mới. Nhưng vững niềm tin thành công, bởi chính quyền và người dân thành phố vốn sẵn khí chất can trường trước sóng to gió cả, dám xông pha vào nơi gian khó, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận hy sinh. Đó là tài sản vô giá của một đô thị đang sẵn sàng tâm thế hướng ra biển lớn.
UÔNG THÁI BIỂU
Báo Nhân dân điện tử