Cập nhật: 13/01/2017 10:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nói đến nét đặc sắc của văn hóa làng xã Việt Nam hẳn không thể không nhắc đến hình ảnh chợ quê. Cùng với những hình ảnh quen thuộc như: Cây đa, giếng nước, sân đình,... thì chợ quê cũng là một diện mạo vật chất, là dấu hiệu quen thuộc để nhận diện một làng quê Việt.

Theo nghiên cứu của các nhà sử học, chợ quê được hình thành rất sớm, từ thời kỳ đầu dựng nước. Đây chính là nơi lưu giữ tổng thể những nét văn hóa đặc sắc của làng quê Việt được tạo dựng, bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử và tồn tại cho đến ngày nay. Cũng như bao làng quê Việt khác, ở vùng đất cổ Vĩnh Tường xưa đã hình thành các chợ quê với những tên gọi rất gần gũi, quen thuộc, dân dã và thường gắn với tên đất, tên làng như: Chợ Giang, chợ Rưng, chợ Vòng, chợ Kiệu, chợ Thùng, v.v.... Theo dòng chảy của lịch sử, chợ quê ở Vĩnh Tường cũng có nhiều đổi thay, mang tính chất thương mại hóa cao hơn. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ văn hóa mà xét thì chợ quê Vĩnh Tường ngày nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều nét văn hóa đẹp, cổ xưa và được thể hiện sinh động qua các yếu tố như: Chức năng của chợ, thành phần tham gia buôn bán trao đổi, thời gian, địa điểm họp chợ.

Xét ở góc độ chức năng của chợ thì chợ quê từ xưa đến nay, dù có phát triển đến đâu đi chăng nữa vẫn là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa ở nông thôn. Ban đầu, chợ được hình thành với quy mô nhỏ, mang tính chất chợ làng nhằm giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân mà trước hết là của chính người dân làng đó. Dần dần, một số chợ quê đã phát triển lên thành chợ của nhiều làng, nhiều xã, thậm chí là chợ trung tâm của một vùng được nhiều người biết đến như: Chợ Giang (Thổ Tang), chợ Rưng (Tứ Trưng), chợ Vòng (Tuân Chính),... Qua khảo sát phần lớn các chợ quê ở Vĩnh Tường cho thấy một thực tế là: các chợ dù có là chợ của nhiều làng, nhiều xã hay chợ vùng đi chăng nữa thì chợ đó vẫn thuộc vào sự quản lý của làng, của xã ấy. Đây chính là một nét nổi bật và rất độc đáo của chợ quê vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Một góc  bán hàng nông sản tại chợ Rưng – TT Tứ Trưng

Cũng như chợ quê ở các địa phương khác, các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa tại chợ quê Vĩnh Tường vốn là hiện tượng phổ biến trong tất cả các thành phần dân cư, song có lẽ, lực lượng tham gia đông đảo hơn cả chính là những người phụ nữ. Họ là những người bà, người mẹ tảo tần sớm hôm “bòn tro, đãi sạn”; khi thì gánh rau, gánh cỏ, quả bí, quả bầu; khi thì gánh tro bếp, gánh rơm, rổ ốc, giỏ cua,… cũng có khi mua đầu chợ rồi bán cuối chợ để kiếm thêm một chút thu nhập cho bản thân và gia đình. Sự tảo tần của bà, của mẹ trong cuộc mưu sinh cho cả gia đình tại các chợ quê đã đi vào thi ca và trở nên rất gần gũi, thân thương.

 “Ruộng vườn mưa nắng héo hon

Mẹ già áo vá, chắt bòn từng xu”

Người phụ nữ bán tương tại chợ Trục – Nghĩa Hưng

Không phải tất cả nhưng phần lớn những người buôn bán tại các chợ quê ngày nay hầu như không thoát ly khỏi nông nghiệp và thủ công nghiệp. Nhiều khi họ chỉ buôn bán, trao đổi những mặt hàng là sản phẩm của nông nghiệp và thủ công nghiệp do chính tay họ và các thành viên trong gia đình làm ra. Chẳng hạn, tại chợ Giang (Thổ Tang), có không ít người chuyên bán sản phẩm rau, hành, củ, qủa do họ tự sản xuất mà không cần phải đi mua ở bất cứ cơ sở sản xuất nào; hoặc những người bán các mặt hàng như: Hương trầm, vàng mã, hàng sắt,…họ cũng tự sản xuất theo quy mô hộ gia đình; thậm chí, tại chợ Thùng (Lý Nhân), những lò rèn được đặt tại chợ để làm dao, kéo, làm sắc chân chấu của liềm mỗi khi ngày mùa tới. Những quán hàng của họ tuy đơn sơ, giản dị, đời thường nhưng gắn bó với chợ quê đã mấy chục năm qua và thực sự góp phần tô điểm thêm cho những nét văn hóa đẹp của chợ quê xưa.

Ngay như những gia đình buôn bán ở Thổ Tang, mặc dù điều kiện kinh tế rất khá giả do hoạt động buôn bán kinh doanh đem lại, song, họ chưa bao giờ bỏ nông nghiệp mà vẫn duy trì hoạt động vừa buôn bán, vừa làm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong hoạt động nông nghiệp, họ thường thuê người ở các xã lân cận làm với phương châm “mua lúa rẻ về ăn”. Thành ra, khi xét về góc độ thành phần dân cư tham gia buôn bán tại các chợ quê ở Vĩnh Tường mới biết thật khó để phân biệt một cách rạch ròi trong số những người tham gia trao đổi hàng hóa tại chợ quê ai hoàn toàn là thương nhân, ai hoàn toàn là thợ thủ công và ai hoàn toàn là nông dân. Sự hòa lẫn cả ba thành phần trong cùng một con người  mua bán hàng hóa tại các chợ quê là hình ảnh hết sức sinh động của nền kinh tế ở nông thôn và cũng là nét nổi bật của chợ quê xưa và tồn tại cho đến ngày nay.

Không phải tất cả nhưng tuyệt đại đa số những hoạt động trao đổi giữa người mua và người bán thường có sự mặc cả với tinh thần “thuận mua, vừa bán”, cho dù, mặt hàng trao đổi đó có giá trị không cao. Về bản chất, việc mặc cả giữa người mua và người bán hoàn toàn không phải kỳ kèo mà đúng hơn là sự giao lưu rất cởi mở, chân thành, chất phát của người dân được gói ghém, thu nhỏ tại những phiên chợ quê. Thành ra, người mua được rẻ một chút cũng phấn khởi mà người bán rẻ một chút cũng vui vẻ, bởi vì, người bán cũng mong muốn bán hết hàng sớm còn về với gia đình - nơi mà những đưa cháu đang ngong ngóng bà về để được ăn những thứ quà quê như: bánh đa, bánh đúc, kẹo vừng, tấm mía.

Hình thức mặc cả hàng trầu, cau tại chợ Kiệu – Chấn Hưng

Một trong những vẻ đẹp nữa của chợ quê mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra đó chính là những sản phẩm hàng hóa trao đổi tại chợ với đủ chủng loại, đa màu sắc như: Màu xanh biêng biếc của rau, hành các loại; màu đỏ, vàng của trái ngọt quả thơm; màu trắng của gạo tám, củ cải; màu nâu của củ từ, khoai sọ, khoai môn, v.v… Đấy là chưa kể đến lợn con giống, ngan, gà, tôm, cá, ốc, cua. Tất cả đã dệt nên thành một bức tranh chợ quê muôn màu, tuyệt đẹp, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đôi với chúng ta, là nguồn cảm hứng vô tận đối với thi ca. Nhà thơ Bùi Văn Dung - người con của quê hương Vĩnh Tường khắc họa một phần về chợ Ngã Tư (Thượng Trưng) bằng những hình ảnh mộc mạc, giản dị mà rất đỗi gần gũi, nên thơ.

“Chợ làng bán mấy quả sung

Mua về chấm với muối vừng cũng ngon”

Với nhà thơ Hà Cừ thì vẻ đẹp của những hàng hóa tại chợ quê nói chung thường gắn liền với sự nhọc nhằn, tần tảo “một nắng, hai sương” của người nông dân.

“Chợ quê con tép cũng gầy,

Con cua, con cá dính đầy bùn tươi.

Mớ rau muống, mớ mùng tơi

Quả cà, quả bí nói lời gió sương”

Một góc chợ Chùa – Ngũ Kiên

Trong mắt nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, chợ quê lại được gói ghém, thu nhỏ với vẻ đẹp của những mặt hàng như: Lợn con, gà con làm giống, khoai tây.

“Chợ quê bán những khoai tây

Bán đôi lợn giống, bán bầy gà con”

Nhìn chung, các mặt hàng được bày bán tại chợ quê (trừ những hàng hóa công nghiệp hiện đại) thì chủ yếu vẫn là các loại nông sản, lương thực, thực phẩm, công cụ lao động, đồ dung trong gia đình, những mặt hàng cần thiết phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Đấy là những sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp do chính người dân đã trực tiếp làm ra và đem ra chợ trao đổi. Vì thế, đến bất cứ chợ quê nào trên địa bàn Vĩnh Tường hiện nay, chúng ta cũng tìm thấy những hình ảnh của chợ quê xưa còn được lưu giữ cho đến ngày nay như: Đến chợ Vòng (Tuân Chính) vào các ngày mùng 05 và 10 hàng tháng sẽ được tận mắt ngắm nhìn người mua và người bán những đôi lợn con giống; đến với chợ Rưng (Tứ Trưng) để chiêm ngưỡng những thúng gà con, ngan con, vịt con làm giống màu vàng ươm; hoặc đến với chợ Ngã Tư (Thượng Trưng) vào mùa mưa để được nhìn những người đánh giậm từ các kênh, mương  vội vã đem cả giậm và giỏ tép vào chợ bày bán khi quần áo vẫn còn ướt sũng,... Những hình ảnh mộc mạc, đơn sơ, giản dị của chợ quê xưa chẳng phải đi tìm trong kí ức hay trong thi ca mà thực sự đang hiện hữu ngay trong lòng các chợ quê giữa thời hiện đại.

Hàng chuối xanh – chợ Trục (Nghĩa Hưng)

Khác với các trung tâm thương mại hay các siêu thị sầm uất hiện đại ngày nay, chợ quê thường tổ chức họp tương đối sớm và kéo dài khoảng nửa ngày, chủ yếu trong buổi sáng. Buổi chiều hầu như không họp chợ, nếu có thì cũng vắng tanh. Chợ quê có yếu tố đặc thù như vậy là do tính chất của nghề nông chi phối. Bởi lẽ, nghề nông cần rất nhiều thời gian chăm bón, cấy trồng, thu hoạch, cho nên, người dân thường tranh thủ đi chợ vào buổi sáng để bán sớm hoặc mua sớm và trở về với công việc đồng áng thường nhật, chuẩn bị cho những gánh hàng vào buổi sáng ngày hôm sau. Mặt khác, các mặt hàng trao đổi tại chợ quê chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, cho nên, chỉ vào buổi sáng sớm, những sản phẩm nông nghiệp ấy mới tươi và ngon hơn. Chẳng thế mà đến chợ Giang (Thổ Tang) vào khoảng 2 giờ sáng, những “đoàn” xe sọt thồ cà chua, bí, rau, củ các loại ở các địa phương lân cận như: Tân Tiến, Đại Đồng, Bình Dương, Tân Cương, Thượng Trưng, Lý Nhân lại ùn ùn kéo về tụ họp. Hoạt động mua bán ở thời điểm này rất nhộn nhịp, sôi động. Cả người bán, người mua cứ tất bật và dường như họ có thói quen hầu như không ai ngồi, tất cả đều đứng để bán hoặc mua.

Chợ phiên là một trong những nét đẹp của chợ quê xưa và thường được họp vào một ngày nhất định trong tháng. Thực ra, chợ phiên có từ xa xưa, cho đến nay vẫn được duy trì nhưng không nhiều. Hiện nay, ở Vĩnh Tường vẫn còn tồn tại hình thức chợ họp theo phiên, đó là Chợ Kiêu (Chấn Hưng) họp vào các ngày một, ba, bốn, sáu, tám; chợ Trục (Nghĩa Hưng) họp vào các ngày hai, năm, bảy và mười. những phiên chợ này đã quá quen thuộc, thậm chí đã ăn vào tiềm thức của mỗi người dân nhiều nơi như Nghĩa Hưng, Chấn Hưng, Đại Đồng, Tân Tiến, Yên Lập, Kim Xá, v.v.... Chợ phiên ở Vĩnh Tường tuy không thật phổ biến, nhưng cũng đủ để đủ để điểm tô cho chợ quê của Vĩnh Tường thêm những nét đẹp xưa. 

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, chứng kiến bao đổi thay, biến thiên của lịch sử, nhưng chợ quê xưa vẫn chứa đựng trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Vì thế, đến với chợ quê là nhớ tới hình ảnh thân thương, tảo tần của bà, của mẹ với đôi quang gánh đã trĩu nặng qua năm tháng và hằn trên đôi vai gầy. Trên những đôi quang gánh đơn sơ, nhọc nhằn của mẹ, của bà đã nuôi các thế hệ cháu con ăn học, trưởng thành và có người đã thành danh. Giờ đây, mỗi người chúng ta đều có một công việc, cuộc sống riêng, song hình ảnh về chợ quê xưa mà ở đó có bóng dáng của bà, của mẹ mình sẽ chẳng bao giờ phai nhạt ký ức của mỗi người.

 

ST

Tệp đính kèm