Học sinh tìm hiểu thiết bị trong phòng thí nghiệm Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Tham gia kiểm định cấp trường theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp các trường đại học Việt Nam nhìn thấy điểm mạnh, yếu, đồng thời có thể bước vào con đường hội nhập chứ không phải đi theo kiểu riêng của mình.
Chỉ ra điểm yếu
Sau khi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN)- là trường đầu tiên tại Việt Nam - tiến hành kiểm định cấp trường theo tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University network - AUN) GS.TS Nguyễn Hữu Đức, PGĐ ĐHQGHN đã có những trao đổi về đợt kiểm định này. Ông cho biết Đoàn kiểm định của Hệ thống các trường đại học ASEAN rất có kinh nghiệm, tài năng và chuyên nghiệp.
"Họ đã chỉ cho chúng tôi thấy nhiều điểm mạnh và điểm yếu" - GS.TS Nguyễn Hữu Đức nói - Điểm mạnh của trường là có trình độ nghiên cứu cao, xuất bản được nhiều bài báo quốc tế, dự án xếp hạng tốt và đi tiên phong trong kiểm định chất lượng. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng phát hiện một số điểm yếu của trường.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức
Đoàn đánh giá đã chỉ ra những điểm yếu mà chúng tôi thấy rằng không chỉ ĐHQGHN cần nhận thức. Tựu trung lại có 4 điểm yếu: Đó là điều trước hết cần phải có trường ra trường, lớp ra lớp, cơ sở vật chất và đời sống sinh viên rất quan trọng; Thứ hai là người ta cũng khuyến cáo ĐHQGHN, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng như các trường đại học của Việt Nam là cần phải vận hành mạnh hơn nữa theo cơ chế thị trường và nhu cầu xã hội. Điểm thứ ba họ khuyến cáo là các trường đại học không nên phát triển theo tháp ngà mà cần có liên kết mạnh mẽ hơn nữa với doanh nghiệp. Cuối cùng họ khuyến cáo chúng tôi đã có sự phát triển tốt đối với văn hóa kiểm định chất lượng nhưng cần phải kiểm soát và triển khai tốt các thông tin về kiểm định chất lượng mà chúng ta có được. Nghĩa là khi phát hiện được những điểm yếu thì cần có giải pháp.
Tiếp theo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN sẽ tiếp tục đăng ký với hệ thống AUN để tiếp tục kiểm định một số trường đại học thành viên trong những năm tới. "Đặc biệt, chúng tôi sẽ là đầu mối quan trọng của Bộ GD-ĐT triển khai kiểm định theo một số tiêu chí của AUN cho các trường đại học của Việt Nam" - GS.TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Bước đi hội nhập
Để công tác kiểm định chất lượng không chỉ được thực hiện ở ĐHQGHN, mà còn ở đa số các trường đại học của Việt Nam, trở thành một "văn hóa kiểm định" GS.TS Nguyễn Hữu Đức mong muốn các trường sẽ tham gia Bộ tiêu chí kiểm định, hoặc trực tiếp với Đoàn kiểm định của AUN, hoặc thông qua các trung tâm đặt tại ĐHQGHN.
Ông cho biết, trong thời gian vừa qua, ĐHQGHN cử thành viên, cán bộ tham gia trực tiếp vào xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của ASEAN và sau khi Bộ tiêu chí này được ban hành ở các trường đại học ASEAN, Bộ GD-ĐT và ĐHQGHN đã xin bản quyền và dịch tài liệu này ra tiếng Việt. Trước hết, Bộ tiêu chí này được triển khai ở ĐHQGHN, sau đó lấy tài liệu này làm cơ sở cho Bộ GD-ĐT xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá kiểm định chất lượng của Việt Nam có dựa trên nền tảng của AUN. "Hy vọng trong thời gian tới, không những chúng ta có thể triển khai điểm định được ở nhiều trường của Việt Nam và chúng ta cũng đi được con đường hội nhập rất tốt, không phải đi con đường riêng của mình nữa" - GS.TS Nguyễn Hữu Đức bày tỏ.
Về vấn đề làm thế nào giám sát sự minh bạch khi thực hiện ở Việt Nam? GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng tính minh bạch được thể hiện ở chỗ bây giờ kiểm định chất lượng không thực hiện bằng đánh giá trong, bằng nội bộ trường đại học ấy mà có những đoàn đánh giá ngoài, thậm chí là những đoàn đánh giá quốc tế - những người luôn có tinh thần xây dựng rất tốt. Người ta muốn chỉ ra những điểm mạnh, yếu của các trường đại học để các trường phát triển chứ không phải như cách làm truyền thống ở một số nơi là ban tặng lời ngợi khen để rồi không nhìn thấy điểm yếu để từ đó có thể phát triển.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức giải thích thêm: Hiện nay chúng ta đang rất kỳ vọng cứ kiểm định thì sẽ biết được chất lượng của ta tốt hay bằng các trường nước ngoài như thế nào, nhưng điều này cần phải hiểu một cách chính xác và đầy đủ hơn. Kiểm định chất lượng là kiểm định các điều kiện bảo đảm chất lượng: chúng ta đã xây dựng đại học chuẩn chưa, đã đầu tư đúng tầm chưa ... Giả sử có một trường đại học được đầu tư chuẩn, điều kiện tốt nhưng người lãnh đạo và đội ngũ giảng viên ở đó không vận hành được bộ máy tốt thì chưa chắc có chất lượng tốt vì đây là một khâu trong tổng thể chất lượng của trường đại học. Không phải cứ kiểm định chất lượng là biết trường đại học đó tốt hay xấu, mà là biết được điều kiện bảo đảm chất lượng và trách nhiệm của trường đại học ấy với xã hội khi tổ chức đào tạo.
Theo nhandan.com.vn