Cập nhật: 02/02/2017 09:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 21/4, Phố sách Hà Nội sẽ chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại phố 19-12 - nơi từng là chợ Âm phủ, một địa danh gắn với lịch sử hào hùng của Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

 

Ban quản lý phố sách nên ưu tiên nhóm đối tượng độc giả trẻ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhiều kỳ vọng cho tương lai văn hóa đọc được đặt ra trên nền của những câu chuyện quá khứ, lịch sử.

Trên nền quá khứ…

Phố 19-12 là tuyến phố nằm cạnh trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, nối giữa phố Hai Bà Trưng và phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc, tên phố được đặt theo tên một viên quan người Pháp từng giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ (1909-1912) - Rue Simoni.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - đơn vị chủ trì xây dựng đề án Phố sách Hà Nội cho biết, đây từng là ngôi mộ tập thể - nơi chôn cất thi hài quân dân Hà Nội hy sinh trong ngày 19/12/1946. Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), chính quyền Thành phố Hà Nội đã cho xây dựng tường bao quanh khu vực này và gắn biển: “Nơi chôn cất đồng bào Thủ đô hy sinh trong ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.”

Tới năm 1986, di cốt các nạn nhân được di chuyển tới nơi khác. Một khu chợ đặt trên mảnh đất này được đặt tên là chợ 19-12. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là chợ Âm phủ.

“Khu chợ với tên gọi đặc biệt ấy tồn tại cho tới cuối năm 2008. Sau đó, con phố này có chức năng chủ yếu là khu vực trông giữ xe. Chính bởi vậy, việc biến con phố có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này thành phố sách là một việc làm rất ý nghĩa. Tuy tên gọi là phố sách nhưng đơn vị quản lý cần xây dựng kế hoạch để nơi này không chỉ là nơi mua bán, trao đổi sách mà sẽ là một điểm hẹn, không giăn văn hóa thực sự của Hà Nội,” nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội bày tỏ.

Có cùng quan điểm trên, ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, độc giả cần có sự phân biệt rõ ràng giữa phố sách và tập hợp những cửa hàng kinh doanh sách. Những con phố như Tràng Tiền, Nguyễn Xí, Đinh Lễ… vốn chỉ là tập hợp chuỗi cửa hàng bán sách.

“Trong khi đó, một đường sách đúng nghĩa thì không chỉ là nơi bán sách mà còn phải là điểm gặp gỡ, giao lưu tác giả-bạn đọc, nơi tổ chức các cuộc tọa đàm để giới thiệu những cuốn sách mới, giá trị hay để tạo ra không gian tranh biện, trao đổi. Việc đọc phải đi liền với việc tranh luận, phản biện thì mới có thể thúc đẩy văn hóa đọc phát triển và sự vận dụng những tri thức trong sách vào cuộc sống,” ông Đỗ Qúy Doãn nói.

Bàn về không gian tổ chức phố sách Hà Nội, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, phố 19-12 là khu phố không có nhà dân, được thiết kế theo không gian phố đi bộ. Hơn nữa, đây lại là địa danh gắn với truyền thống lịch sử, nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm - rất thuận lợi cho việc thu hút khách tham quan. “Như vậy, các điều kiện thuận lợi đã hội tụ đủ. Vấn đề chỉ còn là việc vận hành, triển khai thực tế như thế nào để biến ý tưởng thành hiện thực,” ông Doãn nói.

 

Ông Đỗ Quý Doãn cho rằng, cần có sự phân biệt giữa giữa phố sách

và tập hợp những cửa hàng kinh doanh sách. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cần ưu tiên nhóm độc giả trẻ

Đứng ở một góc độ khác, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” (được UNESCO trao giải “Xóa mù chữ quốc tế”) cho rằng, ban quản lý phố sách nên phân loại các nhóm đối tượng độc giả đến phố sách và tập trung ưu tiên trước hết đến nhóm độc giả trẻ (học sinh, sinh viên).

Việc ưu tiên này nên được cụ thể hóa thành các hoạt động như trao đổi phương pháp đọc sách hiệu quả, xây dựng các mô hình tương tác, không gian trải nghiệm thực tế những tri thức trong các cuốn sách…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, tỷ lệ đọc sách trung bình của người Việt Nam là 0,8 cuốn sách/năm. Với thực tế này, việc nâng cao văn hóa đọc không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong “một sớm một chiều.”

“Bởi vậy, việc xác định nhóm đối tượng ưu tiên để có kế hoạch, chương trình phù hợp, tránh những hoạt động dàn trải là điều quan trọng; từ đó, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. Các bậc phụ huynh cần có ý thức bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu sách của con từ nhỏ,” ông Thạch bày tỏ.

Có cùng quan điểm trên, ông Đỗ Hoàng Sơn (Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh) cho rằng, việc vận hành phố sách Hà Nội cần phải có mục tiêu ưu tiên rõ ràng - hướng tới học sinh, sinh viên với những chương trình, hoạt động cụ thể hướng tới nhóm đối tượng này.

“Đây là việc đầu tư cho tương lai. Chúng ta cần ý thức rõ ràng về vấn đề này. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 [xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, bao gồm các hệ thống thực-ảo, mạng lưới vạn vật kết nối và điện toán đám mây - PV] đang ở rất gần chúng ta. Bởi vậy, việc sử dụng các thiết bị công nghệ để thay đổi thói quen đọc sách cần được lưu ý,” ông Sơn nhấn mạnh.

 

Việc sử dụng các thiết bị công nghệ để thay đổi thói

quen đọc sách cần được lưu ý. (Ảnh minh họa: Getty)

Bên cạnh đó, ông Đỗ Hoàng Sơn cũng cho rằng, ban quản lý phố sách Hà Nội nên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để tổ chức những giờ học thực tế cho học sinh tại phố sách; để ít nhất, mỗi học sinh sẽ được đến phố sách một lần/học kỳ. Tại đó, học sinh sẽ được giới thiệu những cuốn sách hay theo từng chủ đề, lịch sử của sách, trải nghiệm những thiết bị công nghệ số hỗ trợ việc đọc và được ôn lại lịch sử hào hùng của Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp…./.

Theo AN NGỌC (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/hanh-trinh-tu-cho-am-phu-den-khong-gian-pho-sach-ha-noi/427587.vnp

Tệp đính kèm