Ngày 2/2, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Quang Nghĩa đã ký công điện gửi các cơ quan thành viên và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố.
Lễ hội Gióng đền Sóc, Hà Nội. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Công điện nêu rõ, tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 7 ngày Tết nguyên đán Đinh Dậu (từ ngày 26/1 đến ngày 1/2) trên toàn quốc được duy trì ổn định, tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông ra vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính được kéo giảm. Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết.
Tuy nhiên, trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp, bình quân mỗi ngày có 29 người chết do tai nạn giao thông; đã xảy ra 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng (tại Quảng Ninh, Long An, Lâm Đồng, Đồng Nai).
Tai nạn đường sắt tăng cao cả 3 tiêu chí. Lĩnh vực vận tải đường bộ vẫn còn tình trạng chở quá số người, tăng giá vé quá mức quy định.
Ùn tắc vẫn còn xảy ra tại các tuyến giao thông cửa ngõ ra vào thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các đầu mối giao thông trọng điểm trong những ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết.
Nhìn nhận những nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông, trong dịp lễ hội Xuân từ nay đến hết quý 1/2017, tại Công điện này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trương Quang Nghĩa đề nghị các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Công điện số 2239/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán và lễ hội Xuân 2017; Kế hoạch số 08/KH-UBATGTQG của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về triển khai Năm An toàn giao thông 2017.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người điều khiển về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành; yêu cầu các đơn vị vận tải lựa chọn người điều khiển phương tiện có kinh nghiệm hoạt động theo tuyến, theo địa hình.
Bộ Giao thông Vận tải tổ chức phổ biến kinh nghiệm điều khiển phương tiện ở các môi trường giao thông phức tạp: có mật độ giao thông cao, ùn tắc kéo dài, đường đèo dốc, trời mưa, ban đêm, đường dài; chú trọng kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải khách theo hợp đồng.
Bộ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục cung cấp lịch trình chạy tàu cụ thể qua tất cả đường ngang, kể cả các đường ngang dân sinh có người qua lại thường xuyên cho Ban An toàn giao thông và chính quyền địa phương các cấp để tổ chức cảnh giới; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn tại các đường ngang đường sắt.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng, phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ hội Xuân, đặc biệt các hành vi có tần suất vi phạm cao và phổ biến như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, phần đường làn đường; xe ôtô khách không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, chở quá số người quy định.
Có phương án bố trí lực lượng ứng trực trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực tổ chức lễ hội, kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố, tai nạn, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên phản ánh tình hình vận tải và trật tự an toàn giao thông; hướng dẫn vận động người dân lựa chọn dịch vụ vận tải công cộng có uy tín, hạn chế sử dụng môtô, xe máy khi tham dự lễ hội; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân và doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế và các bệnh viện tăng cường công tác tiếp nhận, cấp cứu, điều trị nạn nhân bị tai nạn giao thông để giảm thiệt hại thấp nhất về người; tăng cường hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu khi tai nạn xảy ra.
Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tăng cường lực lượng phối hợp với ủy ban nhân dân địa phương nơi diễn ra các lễ hội chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến kết nối đến khu vực lễ hội và địa bàn diễn ra lễ hội; tăng cường năng lực vận tải phục vụ lễ hội, đặc biệt là chất lượng phương tiện và người điều khiển…/.
Theo VÂN GIANG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-trong-dip-le-hoi-xuan/428497.vnp