Mặc dù số người chết do tai nạn giao thông bình quân mỗi ngày (29 người chết) trong dịp nghỉ Tết Đinh Dậu giảm được 13% so với Tết Bính Thân, tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận, so 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu và Tết Bính Thân, tai nạn giao thông tăng cao cả 3 tiêu chí về số người chết, số vụ, số người bị thương.
Tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu tăng cao cả 3 tiêu chí và có diễn biến phức tạp. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, vẫn còn tồn tại tình trạng nhà xe “nhồi nhét” khách, hét giá vé để kiếm lời, đón, trả khách dọc đường trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua.
Vẫn còn tâm lý “nể nang”
Theo báo cáo tổng hợp từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (từ 26/1-1/2/2017), toàn quốc xảy ra 368 vụ tai nạn giao thông (52,6 vụ/ngày) làm chết 203 người (29 người/ngày), làm bị thương 417 người (63,8 người/ngày).
“So sánh số liệu tai nạn giao thông 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu với 7 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân (từ 6/2-12/2/2016) tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5%), tăng 142 bị thương (48%). So sánh số liệu tai nạn giao thông bình quân một ngày của dịp nghỉ Tết Đinh Dậu 2017 và Tết Bính Thân 2016 cho thấy, số vụ tăng 7,3 vụ/ngày, (16%); tăng 21,6 người bị thương/ngày (51%); giảm 4,33 người chết/ngày, tương đương (13%),” ông Hùng đưa ra con số.
Thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy các địa phương có số người chết tăng là An Giang, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hòa Bình, Long An, Yên Bái và Vĩnh Phúc. Có 5 địa phương không xảy ra tai nạn giao thông gồm Bắc Ninh, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai.
Khẳng định sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng chỉ ra hàng loạt các tồn tại và nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông gia tăng chủ yếu là do lái xe trong tình trạng vi phạm quy định nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu… người đi môtô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận việc hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát và vẫn còn tâm lý “nể nang” trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện dẫn đến tai nạn giao thông tăng cao.
“Nhà xe nhồi nhét khách, hét giá để kiếm lời”
Về công tác vận tải, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán còn xảy ra tình trạng chở quá số người quy định (nhồi nhét khách), tăng giá vé ôtô quá mức quy định ở một số nhà xe; hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe ôtô chở khách cao, đặc biệt là trên Quốc lộ 1; nhu cầu đi lại bằng xe chở khách hợp đồng tăng cao tại khu vực nông thôn, trong khi chất lượng phương tiện và người lái còn hạn chế.
“Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm để ‘kiếm lời’, mặt khác do một bộ phận hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định đồng thời công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm,” ông Hùng đánh giá.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Định Dậu năm 2017, số lượt phản ánh đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm đáng kể so với Tết những năm trước, với tổng số 250 lượt gọi/ 7 ngày; chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 25- 26/01 (tức ngày 28 và 29 Tết) và ngày 30/01- 01/02 (tức ngày mồng 4 và mồng 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc.
Riêng trong ngày 01/02, là ngày cuối cùng trong đợt nghỉ Tết, đường dây nóng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được 82 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh của người dân. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người đi định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.
Vẫn còn tồn tại tình trạng nhà xe “nhồi nhét” khách, hét giá vé để kiếm lời, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
“Mọi ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe...,” ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, Cảnh sát giao thông các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách.
Song song với đó, lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xứ lý nghiêm các xe có phụ thu giá vé cao so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe...
Xử nghiêm vi phạm giao thông
Giai đoạn từ nay đến hết quý 1/2017, có nhiều lễ hội Xuân diễn ra trên khắp các địa phương trong cả nước… mức độ sử dụng rượu bia của người dân và khách tham quan tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng, phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ hội Xuân.
Đặc biệt, lực lượng công an xử lý nghiêm các hành vi có tần suất vi phạm cao và phổ biến như điều khiển xe cơ giới đường bộ trong tình trạng vi phạm quy định nồng độ; tốc độ, phần đường làn đường; xe ôtô khách không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, chở quá số người quy định; có phương án bố trí lực lượng ứng trực trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực tổ chức lễ hội, kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố, tai nạn không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người điều khiển về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành; yêu cầu các đơn vị vận tải lựa chọn người điều khiển phương tiện có kinh nghiệm hoạt động theo tuyến, theo địa hình; cung cấp lịch trình chạy tàu cụ thể qua tất cả đường ngang, kể cả các đường ngang dân sinh có người qua lại thường xuyên cho Ban An toàn giao thông và chính quyền địa phương các cấp để tổ chức cảnh giới…
Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo Sở Y tế và các bệnh viện về công tác tiếp nhận, cấp cứu, điều trị nạn nhân bị tai nạn giao thông để giảm thiệt hại thấp nhất về người; tăng cường hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu khi tai nạn xảy ra.
Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tăng cường lực lượng phối hợp với Ủy ban Nhân dân địa phương nơi diễn ra Lễ hội chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến kết nối đến khu vực và địa bàn diễn ra lễ hội…/.
VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/tai-nan-giao-thong-dip-tet-tang-cao-nha-xe-nhoi-nhet-khach-kiem-loi/428473.vnp