Sau hơn một tháng miễn phí đi xe buýt nhanh BRT, ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội cho biết, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chính thức thu tiền vé đối với hành khách đi lại từ ngày 6/2 với mức giá được áp dụng là 7.000 đồng/lượt.
Tuyến buýt nhanh số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa
vào vận hành và khai thác. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Theo ông Thủy, giá vé tháng buýt nhanh BRT bằng với giá vé tháng buýt thường (100.000 đồng/tháng). Đặc biệt, người đã mua vé tháng buýt thường có thể sử dụng cho buýt nhanh. Hành khách có nhu cầu mua vé tháng có thể đăng ký tại tất cả điểm nhà chờ và hai bến xe Kim Mã, Yên Nghĩa.
Theo thống kê của Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội, trong tháng đầu tiên vận hành (từ 1-31/1), tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đã thực hiện 9.394 lượt xe, với tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 97,9%. Sản lượng khách vé lượt đạt gần 339.000 khách, vé tháng đạt 36.799.
Tổng lượt khách đi xe buýt đạt hơn 376.000 lượt, bình quân 39,9 khách/lượt và và 526,8 khách/nhà chờ/ngày. 5 nhà chờ có số lượng vé cao nhất là Kim Mã (61.632 khách), Hoàng Đạo Thúy (32.334 khách), Nguyễn Tuân (28.263 khách), Vũ Ngọc Phan (27.199 khách) và Bến xe Yên Nghĩa (25.267 khách).
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tập trung, tuyên truyền nhắc nhở các đối tượng điều khiển các phương tiện đi vào tuyến đường xe buýt nhanh. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2017 sẽ tiến hành xử phạt.
Theo ông Viện, sắp tới, tại các điểm giao cắt với làn xe buýt nhanh, ngành giao thông sẽ lắp đặt loa thông báo, cảnh báo các đối tượng khi đi vào làn xe buýt nhanh, thông tin mức xử phạt để mọi người có ý thức chấp hành.
“Ưu tiên hàng đầu của xe buýt nhanh là đúng giờ. Đối với giao thông đô thị, để giảm ùn tắc bắt buộc phải phát triển loại hình giao thông công cộng, trong đó chủ lực là xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm. Trong quá trình chạy thử nghiệm, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, chuyên gia để hiệu chỉnh những bất cập trong quá trình sử dụng BTR,” Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) vào ngày 6/1 vừa qua, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã nhận được đề xuất mở tuyến buýt nhanh BRT02 Kim Mã- Hòa Lạc của Sở Giao thông Vận tải.
“Thành phố chắc chắn sẽ có quyết định đầu tư, mở tuyến buýt nhanh số 02 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến buýt nhanh số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa hiện nay,” ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Viện, nếu được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt sớm tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã - Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tuyến buýt nhanh thứ hai của thủ đô có thể đi vào vận hành ngay trong năm 2017.
Lý giải về việc triển khai tuyến buýt nhanh BRT này, ông Viện cho rằng, nhu cầu đi lại của người dân dọc trục tuyến là rất lớn khi Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện có khoảng 20.000 cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đến làm việc, học tập hàng ngày.
“Hơn nữa, lượng xe nhập về tổng số 34 chiếc hiện mới chỉ sử dụng 24 xe cho tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa và vẫn đang dự phòng 11 chiếc. Đặc biệt, lộ trình tuyến BRT 02 đoạn trong nội đô cũng trùng với tuyến BRT 01. Như vậy có thể sử dụng 6 nhà chờ hiện có của tuyến 01, chỉ cần bổ sung thêm 1-3 nhà chờ nữa là hoàn thiện,” ông Viện tiết lộ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Sở Giao thông Vận tải thông tin thêm, tại điểm đầu cuối là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý khu cũng đã đề nghị với thành phố sẽ bỏ kinh phí xây dựng nhà chờ theo đúng quy chuẩn để phục vụ hành khách.
Đặt câu hỏi đến việc có phải bố trí làn đường rành diêng cho xe buýt nhanh BRT 02 này, ông Viện khẳng định, khi buýt nhanh ra đến Đại lộ Thăng Long sẽ chạy trên làn đường gom hiện nay chứ không cần làn đường riêng./.
Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thu-tien-khach-di-buyt-nhanh-brt-tu-ngay-62-gia-ve-7000-dongluot/428809.vnp