Tiết học Giáo dục công dân của cô giáo và học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Phúc được đổi mới, linh hoạt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ban hành quy chế kỳ thi và hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia năm 2017 với nhiều điểm mới so với những năm trước. Để giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, các địa phương đang có nhiều giải pháp giúp học sinh ôn thi hiệu quả.
Chủ động từ các trường
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có tổng số năm bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (3 môn thi bắt buộc), Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân đối với cấp THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với giáo dục thường xuyên). Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Đây cũng là lần đầu có tổ hợp bài thi và môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm; môn Giáo dục công dân là môn thi lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia.
Theo thầy giáo Nguyễn Minh Đăng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Phúc, nhà trường vừa kết thúc học kỳ một và hoàn thành kỳ thi chuyên đề cho khối 12. Kết quả các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh rất phấn khởi khi thi thử với hình thức trắc nghiệm cho kết quả khả quan. “Điều quan trọng là các em rất hào hứng với hình thức thi mới, chuẩn bị tâm thế tốt nhất tiếp cận với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Sau khi Bộ GD và ĐT công bố đề thi minh họa, nhà trường đã yêu cầu các tổ bộ môn họp chuyên môn và giao cho mỗi giáo viên xây dựng một bộ đề trắc nghiệm từ 50 đến 100 câu hỏi để làm ngân hàng đề cho nhà trường; khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Hiện, học sinh đang được làm quen dần với các bài kiểm tra trắc nghiệm trên lớp với số lượng câu hỏi và mức độ kiến thức phù hợp. Đáng chú ý, nhà trường đã tiến hành cho học sinh khối 12 đăng ký các bài thi tổ hợp theo nguyện vọng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ, trên cơ sở đó bố trí lại lớp học để tổ chức giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh.
Em Ngô Thị Chung, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Năm nay, hình thức thi THPT quốc gia có nhiều điểm đổi mới. Do vậy, thời gian qua, chúng em đã được các thầy giáo, cô giáo ôn luyện các môn thi theo hình thức thi trắc nghiệm. Giờ chúng em đã tự tin hơn với môn học này”.
Đến thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng đều đã chủ động lên kế hoạch ôn tập cho học sinh và tiến hành tổ chức ôn tập cho học sinh toàn khối 12 theo tổ hợp môn với hai nhóm Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Việc tổ chức ôn theo tổ, nhóm cho học sinh tùy theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp tự chọn các môn học, tự chọn giáo viên dạy. Từ đó, các trường tổ chức sắp xếp lớp ôn tập theo nguyện vọng học sinh đã đăng ký. Thầy giáo Nguyễn Huy Bính, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) cho biết: Ngay sau khi Bộ GD và ĐT công bố phương án thi, trường đã tổ chức ôn thi tập trung theo hai tổ hợp, tiến hành xếp lớp và phân công giáo viên phù hợp. Hiện, trường có 20 lớp 12 và đã phân lớp theo tổ hợp với năm nhóm lớp Khoa học xã hội và 15 lớp nhóm Khoa học tự nhiên. Thời gian ôn tập diễn ra cùng với thời gian các em học chính khóa, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức cho học sinh và tạo thuận lợi cho giáo viên trong giảng dạy. Việc ôn thi tại Trường THPT Trần Phú đã thực hiện được sáu tuần, theo đánh giá của các giáo viên bộ môn thì chất lượng học sinh học tốt, tập trung và học sinh đang dần làm quen với cách thi trắc nghiệm.
Ngay từ đầu năm học, Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà) đã phổ biến đến toàn thể phụ huynh, học sinh khối 12 về các thông tin liên quan đến kỳ thi, cũng giúp các em học sinh hướng nghiệp, chọn và ôn thi các môn phù hợp với năng lực. Năm học này, nhà trường tiếp tục thực hiện và sẽ tổ chức ôn tập cho các em đến sát ngày thi. Vì đến giữa tháng 5, các em đã nghỉ hè, trong vòng ba tuần đến ngày thi, các em sẽ toàn tâm, toàn ý tập trung ôn tập, chuẩn bị mọi kiến thức để bước vào kỳ thi hai trong một thật tốt, mang lại kết quả cao. Để giúp học sinh làm quen với việc làm bài thi trắc nghiệm, các giáo viên tổ Toán của Trường THPT Ngô Quyền đã cùng soạn thảo các dạng đề trắc nghiệm môn Toán và đưa lên các trang mạng như https://tracnghiemonline.vn/ www.baitap123.com, sau đó hướng dẫn học sinh vào trang và làm thử như thi thật.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Mặc dù các trường đều chủ động trong việc tổ chức ôn thi cho học sinh, tuy nhiên, với những điểm mới của kỳ thi năm nay vẫn nảy sinh một số vướng mắc. Tình trạng thiếu tài liệu, sách hướng dẫn đối với môn Giáo dục công dân đang là nỗi lo của nhiều thầy, cô giáo dạy môn này. Thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong việc dạy, tổ chức ôn tập cho học sinh, thầy giáo Trương Văn Anh Tuấn, Tổ trưởng Giáo dục công dân, Trường THPT Ngô Quyền cho biết: Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi đã phần nào tạo được động lực và “lấy lại cảm hứng” đứng lớp cho giáo viên, bởi lâu nay, môn Giáo dục công dân luôn được coi là “môn phụ”. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là tài liệu tham khảo lại quá ít, trong khi lại là tổ hợp quá nhiều kiến thức từ pháp luật, kinh tế, xã hội. So với các môn khác, việc ôn tập cho các em gặp khó khăn bởi trong đề thi sẽ có những phần trắc nghiệm tình huống. Mà giáo viên không thể đưa ra tất cả các tình huống minh họa. Việc làm tốt môn này hay không tùy vào kiến thức xã hội của mỗi học sinh. Hiện, sách giáo khoa môn Giáo dục công dân có nhiều kiến thức quá hàn lâm như phần triết học ở lớp 10, cũng như tích hợp quá nhiều kiến thức xã hội khác, đặc biệt là các bộ luật đã làm cho các em học sinh bối rối trong việc học. Đề nghị Bộ GD và ĐT cần cụ thể những bộ luật bằng các bài học để giúp học sinh dễ hình dung hơn, áp dụng được vào cuộc sống để làm bài phần tình huống minh họa, thầy Tuấn đề xuất.
Môn Địa lý cũng là một trong những thách thức cho giáo viên. Cô giáo Trần Khánh Trinh (Trường THPT Ngô Quyền) cho biết, việc chuẩn bị đề cương giáo án ôn tập môn Địa lý thi trắc nghiệm cũng gặp không ít khó khăn bởi đây là môn kiến thức rộng, toàn bộ chương trình sách giáo khoa đều phải bám sát để bao quát, tránh học tủ. Đề thi trắc nghiệm sẽ bao quát toàn bộ chương trình chứ không như cấu trúc bài thi 10 điểm như trước.
Cô giáo Hán Thị Vân Anh, giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Khi dạy, các thầy, cô giáo đều hướng dẫn học sinh học kỹ tất cả các phần, kể cả lý thuyết. Ngoài ra, học sinh cần rèn luyện khả năng tư duy, tính toán nhanh bởi số lượng câu hỏi rất nhiều. Có những câu hỏi học sinh phải tính toán mới đưa ra được đáp số nhưng có những câu hỏi học sinh có thể sử dụng phương pháp loại trừ. Học sinh cần hạn chế thói quen trình bày bài bản như trước mà thay vào đó là phải phân tích và xử lý nhanh. Để làm tốt bài thi trắc nghiệm, học sinh cần học theo cách tóm tắt kiến thức theo từng chủ đề, cần chú trọng học cách phân tích để chọn nhanh hướng làm hoặc chọn kết quả phù hợp, cách dùng phương pháp loại trừ, cách trình bày gọn lời giải, một số kỹ năng đọc nhanh đề bài phân tích câu dễ, khó…
Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân chia sẻ: Các trường THPT, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên cần bám sát nội dung chương trình lớp 12 và ôn tập theo đúng hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, không cắt xén nội dung chương trình. Cùng với đó, yêu cầu các trường phân công các giáo viên bộ môn xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi thử để các em học sinh có thể tiếp cận, cũng như làm quen với các dạng câu hỏi trắc nghiệm. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, giáo viên thực hiện ôn tập cho học sinh, phù hợp từng nhóm đối tượng theo năng lực học sinh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để kỳ thi đạt kết quả cao nhất.
Theo Bộ GD và ĐT, để giúp thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi, các sở GD và ĐT cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng. Việc ôn tập của học sinh thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học; giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD và ĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đáng chú ý, các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, thi THPT quốc gia năm 2016 để có thêm căn cứ xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập thi năm 2017.
Bài, ảnh: KIM HIỀN VÀ ANH ĐÀO
Báo Nhân dân điện tử