Đoàn bác sĩ, chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân bị ngộ độc rượu ở xã Ma Ly Chải.
Chỉ trong thời gian ngắn, từ dịp Tết Dương lịch đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu có chứa methanol. Nghiêm trọng nhất và mới nhất là vụ ngộ độc xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, với tổng số hơn 50 người bị ảnh hưởng, trong đó tám người chết. Các vụ ngộ độc đã gióng lên hồi chuông báo động về những nguy hại của lạm dụng rượu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), rượu chứa methanol thường do người sản xuất pha cồn công nghiệp methanol để tăng độ mạnh, độ “phê” cho rượu. Ngoài ra cũng có một số ca ngộ độc methanol trong rượu tự nấu. Các bác sĩ cho biết, biểu hiện say rượu thông thường (rượu, bia chứa ethanol) với ngộ độc rượu chứa methanol là khá giống nhau, cho nên rất khó phân biệt khi mới uống. Tuy nhiên, ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người. Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất, để hạ giá thành sản phẩm đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ mua phải rượu có lẫn methanol, uống nhiều có thể gây chết người.
Nếu không chết vì methanol thì các “bợm rượu” vẫn có nguy cơ cao chết vì các bệnh khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra ít nhất 30 bệnh và gián tiếp gây ra 200 bệnh tật, chấn thương. Các bệnh thường có nguyên nhân từ bia, rượu như bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư; xơ gan, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần, trầm cảm… Tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa…
Bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống 1ml dung dịch 100% là methanol. Ngoài ra có thể bị mù, ngộ độc dẫn tới chết nếu uống và đưa khoảng 30 ml dung dịch 40% là methanol vào cơ thể. Khi uống rượu methanol, trước khi gây độc thành phần methanol trong rượu sẽ được chuyển hóa thành phoóc-man-đê-hít và sau đó được ô-xy hóa thành a-xit phoóc-mic. Nồng độ a-xit phoóc-mic trong máu cao sẽ gây ức chế dẫn tới thiếu ô-xy tế bào. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt làm mắt bị mù. Nặng hơn methanol sẽ gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp nguy hiểm tới tính mạng. Đáng lo ngại, ngộ độc methanol là một dạng ngộ độc rất nguy hiểm, dễ dẫn đến chết người nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống rượu nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng rượu đã uống. Thông thường diễn biến tình trạng ngộ độc thường có hai giai đoạn. Giai đoạn kín đáo thường diễn ra vài giờ đến 30 giờ đầu sau khi uống rượu, lúc này những biểu hiện ngộ độc thường không rõ ràng, khó phát hiện, nên thường bị bỏ qua. Giai đoạn sau mới là giai đoạn nguy hiểm với những biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, có cảm giác bồn chồn khó chịu. Một số người thì hưng cảm quá đà, một số người khác lại ngủ lịm, nặng hơn là tình trạng hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết, tụt não và dẫn tới chết người.
Theo TS Lâm Quốc Hùng (Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế), để bảo đảm chất lượng, an toàn rượu và không lạm dụng rượu trong tiêu dùng, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, tuyên truyền vận động nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu. Các biện pháp chủ yếu cần được triển khai hiệu quả đó là: Rà soát để hoàn chỉnh hệ thống văn bản quản lý khoa học, phù hợp và hiệu quả (Luật, Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật); thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đối tượng trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu; tổ chức hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu; nghiên cứu và triển khai các mô hình phòng tránh lạm dụng rượu trong cộng đồng...
Vì lợi ích của cộng đồng, sức khỏe và tính mạng của người dân, “chìa khóa” để kiểm soát an toàn rượu, phòng tránh lạm dụng rượu là cần nêu cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu; thực hiện tự giác, nghiêm túc các quy định của pháp luật và nói không với lạm dụng rượu.
Methanol thường được dùng làm dung môi, pha chế sơn, lau chùi véc-ni. Chất này đã được khuyến cáo tuyệt đối không được sử dụng để chế biến rượu, thực phẩm vì rất nguy hiểm.
Theo Minh Hoàng
Báo Nhân dân điện tử