Nhà máy lọc dầu Zubair ở thành phố Basra, miền Nam Iraq ngày 3/3/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 20/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Washington không có kế hoạch chiếm giữ các mỏ dầu của Iraq.
Tuyên bố trên được cho là nhằm trấn an các đối tác trước khẳng định trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Mỹ có thể chiếm giữ mỏ dầu Iraq nhằm trang trải chi phí chiến tranh cũng như tước đoạt nguồn doanh thu quan trọng của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Phát biểu với giới báo chí, Bộ trưởng Mattis đang ở thăm Iraq cho biết "tất cả người dân Mỹ đều phải trả phí gas và xăng dầu và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai."
Ông nêu rõ: "Mỹ không ở Iraq để chiếm giữ dầu mỏ của bất kỳ ai."
Liên quan đến việc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh vào Mỹ công dân 7 nước có đa số người dân theo đạo Hồi, trong đó có Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết sắc lệnh này sẽ không ảnh hưởng đến những người Iraq đang chiến đấu cùng các lực lượng Mỹ.
Trong khi đó, phát biểu tại thủ đô Baghdad, chỉ huy lực lượng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu chiến đấu chống IS tại Iraq, Trung tướng Stephen Townsend bày tỏ hy vọng các lực lượng của ông sẽ được phép ở lại Iraq sau khi giành lại quyền kiểm soát Mosul, đồng thời mong muốn Chính phủ Iraq nhận rõ đây là cuộc chiến rất phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của liên minh quân sự ngay cả khi đã giành lại Mosul.
Ngày 20/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã đến Baghdad, bắt đầu chuyến thăm Iraq đầu tiên của ông với cương vị người đứng đầu Lầu Năm góc.
Ông Mattis đã gặp các quan chức cấp cao cũng như các chỉ huy quân đội Iraq thảo luận về mối quan hệ song phương và chiến dịch chống phiến quân IS tự xưng tại thành phố Mosul.
Chuyến công du của ông Mattis diễn ra trong bối cảnh lực lượng an ninh Iraq đang nỗ lực truy quét phiến quân IS ra khỏi thành trì chủ chốt cuối cùng ở phía Tây thành phố Mosul.
Hình thành vào năm 2014, sau khi IS chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq, liên quân đã tiến hành hơn 10.000 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS ở Iraq và Syria, huấn luyện hàng nghìn binh sỹ địa phương.
Hiện liên quân gồm hơn 9.000 binh sỹ ở Iraq, với hơn 1/2 là binh lính Mỹ, với vai trò huấn luyện và cố vấn./.
Theo VIETNAMPLUS/VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/bo-truong-quoc-phong-my-khong-dinh-chiem-giu-mo-dau-tai-iraq/431742.vnp