Dịch cúm H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại nguy cơ lây lan dịch cúm vào Việt Nam.
Tại các chợ ở Hà Nội, vắng bóng nhân viên thú y
Nguy cơ bùng phát dịch
Chỉ tính từ đầu năm tới nay, số người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc lên đến 340 người. Điều này dấy lên lo ngại về nguy cơ lây lan dịch cúm vào Việt Nam khi mà Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và việc đi lại, giao lưu thương mại giữa hai nước cũng rất mạnh. Đặc biệt việc buôn bán, nhập lậu gia cầm qua đường tiểu ngạch rất khó kiểm soát.
Trong khi đó ở nội địa, công tác kiểm soát gia cầm còn lỏng lẻo. Tại các chợ ở Hà Nội, việc quản lý gia cầm sống, gia cầm thịt bị buông lỏng, khó mà tìm thấy bóng dáng nhân viên thú y.
Trong vai người mua gà, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hoạt, quê ở Vĩnh Phúc đang bán gà ở chợ Thái Thịnh, Hà Nội khẳng định, gà của chị bán đều là gà Việt Nam. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có gì để chứng minh đây không phải là gà Trung Quốc thì chị này tỏ vẻ không hài lòng và bỏ đi.
Ghé vào hàng gà trên chợ Vĩnh Hồ, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Nhung ở Sơn Tây, Hà Nội mời chào mua gà, nhưng khi thấy chúng tôi nghi ngại về gà Trung Quốc thì chị này cam đoan gà của chị bắt của hàng xóm nên đảm bảo ngon và không phải gà Trung Quốc. Chị Nhung cho rằng, nếu gà Trung Quốc trà trộn thì chỉ có thể là gà đã được mổ, còn gà sống thì không có.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá gà thải loại nhập từ Trung Quốc hiện rất rẻ chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà sống được bán trên thị trường có giá 90.000 - 110.000 đồng/kg, tùy từng loại. Còn gà được thịt sẵn giá dao động 60.000 - 80.000 đồng/kg. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ cũng có thể nhẩm ra được lợi nhuận “khủng” khi mua gà Trung Quốc về bán dưới mác gà Việt Nam.
Anh Trần Văn Công, nhân viên quản lý chợ Thái Thịnh lo ngại, với lợi nhuận “khủng” như vậy, nhiều tư thương sẵn sàng bất chấp tất cả để buôn bán gà bệnh nhằm trục lợi. Khả năng nguồn gia cầm bị dịch bệnh từ phía Trung Quốc sẽ được tuồn vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch và trà trộn với các loại gà khác để bán cho người tiêu dùng.
Đồng bộ chặn dịch
Để đối phó với tình trạng dịch bệnh có thể lây lan, Bộ Y tế đã họp khẩn bàn về phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận có cúm A/H7N9. Song, ông Long cũng lo ngại khi nhiễm virus cúm A/H7N9 gia cầm vẫn khỏe mạnh nên khó phát hiện gia cầm đã nhiễm bệnh hay chưa. Vì vậy, việc phòng chống càng khó khăn hơn.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện một số ổ dịch H5N1 tại các tỉnh Nam Định, Bạc Liêu và Nghệ An; một ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Còn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Trong đó bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới giáp với Trung Quốc. Sẽ tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đồng thời cảnh báo nguy hiểm cho người tiêu dùng về tác hại của gia cầm nhập lậu.
Hiện Bộ NN&PTNT đang cùng hải quan, công an, quản lý thị trường… các tỉnh biên giới kiểm soát chặt chẽ đến từng các thôn bản, khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Qua đó nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai biện pháp ngăn chặn, giám sát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch; đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm từ gia cầm sống, thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm dịch./.
Theo Ánh Phương/ VOV.VN