Cho biết đã vào website đọc tầm nhìn và sứ mệnh của Đại học (ĐH) Đà Nẵng, Thủ tướng cho rằng, đây là sứ mệnh tốt nhưng còn quá chung và đề nghị trường thể hiện sứ mệnh bao trùm cả 3 cấp độ với tầm nhìn quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sáng 24/2, sau khi đi thăm, thị sát một số cơ sở của ĐH Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo nhà trường.
Tham gia đoàn công tác có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam.
Đây là trường ĐH thứ 3 mà Thủ tướng đến làm việc kể từ khi nhậm chức, sau các cuộc làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.
Một trong những vấn đề đầu tiên mà Thủ tướng đặt ra tại cuộc làm việc là làm sao chấm dứt, giải quyết dứt điểm tình trạng “quy hoạch treo” suốt 20 năm qua của Dự án ĐH Đà Nẵng. Bên cạnh đó, làm thế nào để đổi mới giáo dục ĐH? Tầm nhìn cho trường là gì?
Về vấn đề đầu tiên, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẽ xắn tay áo cùng trường tháo gỡ vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói sau chuyến đi thăm một số điểm trường của ĐH Đà Nẵng thì thấy quyết tâm rất cao của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành về việc khởi động lại dự án. Bày tỏ ủng hộ quyết tâm của Chính phủ, về phía địa phương, ông Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận sự phát triển, lớn mạnh của ĐH Đà Nẵng cũng là sự phát triển của Đà Nẵng. Ông khẳng định luôn sát cánh với ĐH Đà Nẵng và sẽ nỗ lực đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án này.
Trước câu hỏi về đổi mới giáo dục ĐH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước hết là đẩy mạnh tự chủ, đổi mới quản trị. Về tầm nhìn thì phải lấy chất lượng để phấn đấu và tiếp cận theo hướng vươn ra toàn cầu chứ không phải chỉ địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không nên chỉ hiểu việc tự chủ ĐH dưới góc độ tiền (hay tự chủ về kinh phí). Nhiều nước ở châu Âu, ngân sách nhà nước hỗ trợ 80-90% kinh phí nhưng trường ĐH vẫn tự chủ. Theo Phó Thủ tướng, việc giao toàn quyền tự chủ ĐH không có nghĩa là không cấp ngân sách nữa. Tự chủ ĐH cũng là tự chủ giữa các trường thành viên, tự chủ đến cả cấp khoa, bộ môn và từng giáo sư, chứ tự chủ mà theo hướng “anh em tự làm đi” thì rất khó.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng, từ cuộc làm việc này, cùng với các cuộc làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, sẽ hình thành chủ trương, biện pháp cho ĐH ở Việt Nam với tinh thần đổi mới, cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng ĐH.
Từ báo cáo của trường và sau khi đi khảo sát, Thủ tướng cho rằng, ĐH Đà Nẵng qua 20 năm phát triển rất nhanh và đạt kết quả rất quan trọng. Đây chính là nơi cung cấp cán bộ quan trọng, chủ yếu cho miền Trung và Tây Nguyên. Điều ấn tượng với Thủ tướng là kết quả nghiên cứu khoa học của trường với 400 bài báo quốc tế, 100 đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nhiều ứng dụng tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh quan trọng của đất nước. Thủ tướng đánh giá ĐH Đà Nẵng đã đi đúng hướng, là 1 trong 3 trung tâm ĐH của cả nước, 1 trong 15 ĐH trọng điểm của quốc gia và đang hướng tới là ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập của ĐH Đà Nẵng như cơ sở đào tạo lớn nhưng chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí đầu tàu của khu vực miền Trung, chưa có sự ảnh hưởng, lan tỏa rõ nét trong hệ thống, đổi mới đã có nhưng chủ động sáng tạo trong quản lý, hoạt động chuyên môn chưa cao. Cơ sở vật chất còn rải rác, manh mún. Chưa hình thành được một làng ĐH hay một đô thị ĐH, để xứng tầm một trung tâm nghiên cứu ứng dụng đối với khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
“Nhiệm vụ sắp tới của các đồng chí còn rất nặng nề, còn phải phấn đấu quyết liệt thì mới đáp ứng được yêu cầu của phát triển”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, đặt ra cơ hội tốt và cả các thách thức, một quốc gia, một địa phương, một ĐH không vượt qua thì sẽ thụt lùi, lạc hậu.
Chỉnh sứ mệnh, nâng tầm nhìn cho ĐH Đà Nẵng
“Tôi có đọc website của các đồng chí về sứ mệnh và tầm nhìn của các đồng chí. Tôi cũng hoan nghênh cách đặt vấn đề của các đồng chí. Sứ mệnh các đồng chí nêu ra là mang đến cơ hội và môi trường học tập, sáng tạo lý tưởng, góp phần tạo ra động lực phát triển bền vững kinh tế-xã hội cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước”, Thủ tướng nói. “Sứ mệnh này rất tốt nhưng còn quá chung”. Thủ tướng đề nghị ĐH Đà Nẵng cần thể hiện sứ mệnh bao trùm cả 3 cấp độ, một là tầm địa phương, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hai là tầm quốc gia và ba là tầm khu vực, nhất là khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
“Một trường ĐH đi đầu đổi mới sáng tạo mà chỉ có ở trong khu vực mình, khu vực miền Trung-Tây Nguyên hay sao?”, Thủ tướng đặt vấn đề và gợi ý tầm nhìn với ĐH Đà Nẵng là phấn đấu trở thành môi trường giáo dục tiên tiến, hướng đến đẳng cấp thuộc tốp 50 ĐH nghiên cứu của Đông Nam Á vào năm 2035 dựa trên khả năng quy tụ những con người xuất sắc và sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục tri thức cơ bản với nghiên cứu ứng dụng thực tế, có tầm ảnh hưởng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Vì vậy, Thủ tướng đánh giá cao giá trị cốt lõi nêu trên website của ĐH Đà Nẵng với 4 nội dung là chất lượng, phục vụ cộng đồng, chuyên nghiệp và hiệu quả, sáng tạo và thân thiện.
“Có nhiều giáo sư góp ý với tôi rằng, không phải đây là ĐH hàn lâm mà là ĐH ứng dụng. Ý này có đúng không?”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học thì cần coi trọng ứng dụng thực hành.
Thủ tướng đề nghị ĐH Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hành động cụ thể nhằm đạt các mục tiêu và tầm nhìn là đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Nếu làm được, Thủ tướng sẵn sàng đặt hàng
Cho rằng giáo dục đào tạo của Việt Nam đã có sự chuyển động, có lối ra, với cách làm dần đi vào quỹ đạo theo hướng tự chủ ĐH, Thủ tướng mong muốn ĐH Đà Nẵng nên xung phong đi đầu trong lĩnh vực này, để đóng góp vào sự chuyển mình, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
ĐH Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng, phấn đấu có ít nhất 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường trong vòng 6 tháng có việc làm hay tự tạo việc làm.
Tiếp tục hoàn thiện quy trình đào tạo, đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Đổi mới tư duy dạy và học, quan tâm cả tri thức khoa học và phương pháp tự nghiên cứu, các kỹ năng mềm để phát huy tính năng động, sáng tạo, “chứ không phải bỏ sách ra là quên hết”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, giảng viên của ĐH Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng mong muốn ĐH Đà Nẵng trực tiếp đóng góp vào hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp. Do đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Có trách nhiệm hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường ĐH trong vùng, tạo điều kiện cho các trường ĐH địa phương trở thành thành viên của ĐH Đà Nẵng.
ĐH Đà Nẵng phải là một trong 3 trung tâm nghiên cứu với nhiều công trình khoa học lớn trong phạm vi cả nước. “Các thầy, cô giáo, sinh viên có năng lực phải hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, đủ năng lực tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước”, Thủ tướng nói. “Các đồng chí làm được, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng đặt đề tài cho các đồng chí nghiên cứu”.
ĐH Đà Nẵng cần phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi số lượng các công bố quốc tế so với hiện nay. Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh thu hút các giảng viên, nhà khoa học nước ngoài có uy tín về làm việc.
Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị hiện đại với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo phân cấp mạnh, thực hiện tự chủ thực sự cho các trường.
Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, Thủ tướng cho biết, khó khăn của ĐH Đà Nẵng thì các bộ, ngành đã thấy và cần có trách nhiệm đề xuất, tham mưu với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết các vấn đề đặt ra với trường, kể cả việc cho cơ chế, triển khai thí điểm mô hình thu hút người Việt Nam ở nước ngoài vào làm việc.
Chấm dứt quy hoạch treo 20 năm
Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung ĐH Đà Nẵng với diện tích 300 ha, quy mô đào tạo 30.000 sinh viên. Đến nay, việc triển khai quy hoạch rất chậm trễ.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu: Sớm chấm dứt tình trạng “quy hoạch treo” 20 năm phát triển ĐH Đà Nẵng đã được phê duyệt. Thủ tướng đồng ý, sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn đối với ĐH Đà Nẵng, trước hết tập trung phương án đền bù giải phóng mặt bằng để sớm hình thành hình hài đô thị ĐH Đà Nẵng.
Vậy cơ chế nào để xây dựng đô thị ĐH Đà Nẵng? Thủ tướng cho rằng, việc thứ nhất là phải giữ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Thứ hai là nêu cao trách nhiệm các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng trong phát triển ĐH Đà Nẵng, trước hết là về giải phóng mặt bằng, tái định cư. Điều đặc biệt là địa phương phải giữ nguyên trạng, tránh tình trạng “chưa mở rộng đã lấn chiếm”. Lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam cần sớm tổ chức chỉ đạo thực hiện việc này sau cuộc làm việc hôm nay như có thể ứng trước một khoản cần thiết từ ngân sách địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã trực tiếp giải quyết một số kiến nghị của ĐH Đà Nẵng về tổ chức, sắp xếp lại một số trường ĐH; nâng cấp Viện nghiên cứu đào tạo Việt-Anh thành ĐH quốc tế; về cơ chế tiếp cận một số nguồn vốn đầu tư… Thủ tướng cũng đã trao 101 suất học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi của ĐH Đà Nẵng.
Đức Tuân
Theo Chinhphu.vn