GS, TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm ung bướu cho biết, cứ 10 người mắc ung thư được phát hiện, có 9 người liên quan đến rượu, chủ yếu là nam giới. Các ung thư phổ biến do rượu là ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, gan, nhất là ở những người uống rượu kèm hút thuốc lá.
Chiều 23-2, tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã chia sẻ những thông tin rất đáng quan tâm về tác hại của việc uống rượu. Ths Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những người sử dụng rượu nhiều sẽ bị teo não, tim mạch (cơ tim giãn, phì đại, suy tim); thực quản bị chảy máu do giãn mạch máu, dễ tử vong. Trên bào thai, người mẹ uống rượu nhiều có thể gây đẻ non, bé bị lão hóa…
Theo các bác sĩ, những tổn thương thầm lặng với con người do rượu, bia mang lại lớn hơn con số tai nạn giao thông rất nhiều. TS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, gần 3.000 bệnh nhân mắc bệnh gan được điều trị liên tục ở Khoa Tiêu hóa mỗi năm, trong đó, hơn 50% là xơ gan, đa phần ở những người 30-40 tuổi, đều liên quan đến rượu. Ngày ít cũng có 25-27 ca xơ gan do rượu nhập viện, có ngày tới 40 ca. Những ngày Tết vừa qua có rất nhiều ca vào cấp cứu và tử vong.
Mỗi năm Bạch Mai cũng có 500-700 bệnh nhân viêm tuỵ do rượu. Các bệnh nhân đều là người trẻ khoảng 30-40 tuổi. Các ca viêm tuỵ cấp nếu được cứu sống cũng mất khả năng lao động, có nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường, ung thư tuỵ.
Việt Nam hiện nay gặp vấn đề chính là chưa kiểm soát được rượu tự nấu pha cồn công nghiệp methanol, rượu giả. Trong vụ ngộ độc tại Phong Thổ, Lai Châu vừa qua, GS, TS Mai Trọng Khoa chia sẻ, có bằng chứng cho thấy các bệnh nhân bị ngộ độc methanol là các xét nghiệm máu có nồng độ methanol cao; kết quả xét nghiệm các mẫu rượu có methanol cũng cao gấp hàng nghìn lần cho phép; sử dụng phác đồ điều trị methanol cho các bệnh nhân có hiệu quả. Methanol rất độc với hệ thần kinh, gây tổn thương não, làm phù não. Khi bị ngộ độc rượu chứa methanol, có người tử vong rất nhanh chóng. Người may mắn sống sót sẽ gặp di chứng bị mù hoặc di chứng về mắt và não.
Theo Ths Nguyễn Trung Nguyên, không có cách nào biết được rượu có methanol hay không trước khi uống. Vì test tại chỗ cũng sai số. Phương pháp chính xác nhất để xác định methanol là phải được kiểm tra trên những máy móc hiện đại nhưng rất đắt. Vì vậy tốt nhất là không nên uống rượu trắng không có xuất xứ, nhãn mác.
Các bác sĩ khuyến cáo, rượu có methanol gần đây xuất hiện tại vùng cao và điều đó rất nguy hiểm vì người dân đồng bào dân tộc uống rượu rất nhiều. Nếu chính quyền địa phương không có thông điệp rõ ràng và những truyền thông tới người dân cùng kiểm soát chất lượng rượu thì không nói trước được sẽ còn bao nhiêu vụ như ở Lai Châu xảy ra. Nếu Nhà nước không có những biện pháp mạnh tay quản lý rượu tự nấu, ngăn chặn rượu giả, thì những vụ ngộ độc do rượu có methanol vẫn có khả năng xảy ra trên diện rộng.
Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, có nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu rất nguy hiểm. Ví dụ, có trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sử dụng cả ma túy đá kèm rượu gây khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị. Bệnh nhân khác lại chọn cách ngâm cây thuốc phiện với rượu nên khi nhập viện, bệnh nhân này phải cai cả hai chất kích thích, rất hại cho sức khỏe.
TS, Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa chia sẻ, hiện nay, nhiều người cũng cho rằng sử dụng rượu ngâm là an toàn nhưng đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào cho rằng uống rượu thuốc ngâm là tăng cường sức khỏe. Hiện nay, chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc lưu hành loại rượu này do quan niệm dân gian uống vào bồi bổ sức khỏe, tuổi thọ cao, tăng cường sinh lực cho phái mạnh. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các phương pháp thiếu khoa học như ngâm rượu thuốc để không gây ra những cái chết mòn khi bị mắc các bệnh mãn tính do rượu.
THIÊN LAM
Theo Báo Nhân dân điện tử