Cập nhật: 26/02/2017 16:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bên cạnh áp lực thời gian làm bài, thí sinh năm nay còn đối diện với nhiều mối lo khác như phải thích ứng nhanh với dạng đề mới...

Theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều được thi với hình thức trắc nghiệm. Rút ngắn thời gian thi, tiết kiệm chi phí, thuận tiện cho công tác chấm bài, biết kết quả thi sớm là các ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, kiểu thi trắc nghiệm đồng loạt cũng đặt ra không ít thách thức cho người trong cuộc, nhất là các thí sinh.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 có 8 trên tổng số 9 môn thi được ra đề dưới hình thức trắc nghiệm. Riêng đối với 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, cấu trúc đề và thời gian thi có nhiều thay đổi hơn. Cụ thể, một bài thi tổ hợp bao gồm 120 câu được sắp xếp lần lượt theo thứ tự 3 môn thi với thời gian làm bài của mỗi môn là 50 phút. 

Hai năm trước, với các môn thi trắc nghiệm độc lập, đề thi gồm 50 câu và thời gian làm bài là 90 phút. Năm nay, khi tổ hợp 3 môn độc lập thành một bài thi, trong khi số câu tổng cộng chỉ giảm 30 câu thì thời gian làm bài bị bớt đi rất nhiều, từ 270 phút giờ chỉ còn 150 phút.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tại TP HCM

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho hay: “Thời gian giảm như vậy là khá nhiều. Áp lực của một thí sinh trong buổi làm bài thi như vậy sẽ khá căng thẳng. Do đó, các em cần phải được ôn luyện với dạng thức của một bài thi gồm nhiều môn thi để có thể làm quen với cường độ làm bài trong một thời gian ngắn mà số lượng câu khá nhiều”.

Bên cạnh áp lực thời gian làm bài, thí sinh năm nay còn đối diện với nhiều mối lo khác như phải thích ứng nhanh với dạng đề mới, nhiều thay đổi trong cách thức thi, kỳ thi tổ chức sớm hơn gần 2 tuần… Mặc dù các trường trung học phổ thông đã sớm chủ động thay đổi cách thức giảng dạy, ôn tập cũng như cho các em học sinh khối 12 liên tục làm quen với dạng đề trắc nghiệm nhưng đến nay, không ít em vẫn chưa hết băn khoăn.

“Điều em băn khoăn là thời gian thi bị rút ngắn trong khi lượng kiến thức thì vô cùng lớn vì năm nay phải thi tổ hợp 3 môn. Nhiều bạn không giỏi sẽ làm bài không kịp, từ đó sinh ra hiện tượng các bạn chọn đáp án một cách ngẫu nhiên. Điều này có thể dẫn đến việc điểm thi không phù hợp với năng lực của các bạn.

Thời gian thi 150 phút khiến em gặp một số áp lực nhất định trong phòng thi do phải thi liên tục trong thời gian quá dài”- học sinh cho biết.

Không riêng gì học sinh, ngay cả bản thân giáo viên cũng gặp nhiều thách thức với việc thi trắc nghiệm đồng loạt như năm nay. Nhất là giáo viên giảng dạy các môn khoa học xã hội. Làm sao có thể giúp học sinh nắm bài nhanh, nhớ nhiều số liệu, từ khóa để hoàn thành tốt một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hiện vẫn là câu hỏi khiến nhiều giáo viên đau đầu. Đổi mới cách dạy, ôn tập và cả cách kiểm tra, cập nhật nhiều dạng đề theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục – Đào tạo là điều mà các trường đang yêu cầu giáo viên thực hiện. Nhưng đâu phải giáo viên nào cũng có thể làm tốt điều này khi bấy lâu nay họ đã quen với dạng đề tự luận.

Ông Hàn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu tâm tư: “Những thầy cô lớn tuổi không cập nhật được công nghệ thông tin. Thế nhưng, khi đổi qua thi trắc nghiệm thì rất cần công nghệ thông tin để thu thập đề thi rồi tạo đề trắc nghiệm. Thầy cô lớn tuổi đã quen với cách thức truyền thống là dạy tự luận nên chuyển qua trắc nghiệm như thế này thì thầy cô hơi chậm. Đó là mối lo của nhà trường”.

Trong khi các trường đang tất bật hỗ trợ thí sinh vừa học vừa ôn, Sở Giáo dục – Đào tạo TP HCM - đơn vị được giao chủ trì cụm thi tại thành phố năm nay - cũng cùng các bên liên quan khẩn trương chuẩn bị cho kỳ thi có quá nhiều đổi mới này.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP HCM, áp lực in sao đề thi năm nay là không hề nhỏ vì số lượng môn thi trắc nghiệm tăng đột biến và thành phố có hơn 80.000 thí sinh tham gia kỳ thi này. Đặc biệt, mỗi phòng thi được yêu cầu phải có tới 26 mã đề.

“Khối lượng công việc gần như là gấp đôi so với các kỳ sao in đề thi khác. Hơn nữa, số thí sinh của TP HCM rất đông nên chúng tôi phải chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, công tác tập huấn cũng như hệ thống máy in hết sức đầy đủ”- ông Đạt cho biết.

Nhiều chuyện để lo trong khi thời gian đang ngày càng rút ngắn nhưng các trường THPT tại TP HCM vẫn đặt quyết tâm cao là bằng mọi cách phải giúp các em học sinh khối 12 có đủ kiến thức và kỹ năng hoàn thành tốt nhất dạng đề thi trắc nghiệm.

Theo VOV.VN

 

 

Tệp đính kèm