Cập nhật: 03/03/2017 09:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La sẽ diễn ra từ ngày 8-13/3 tới đây tại vùng đất được mệnh danh là "Thủ đô kháng chiến" do Ủy ban Nhân dân thành phố Tuyên Quang tổ chức nhằm tôn vinh Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Điệu múa của Thanh Đồng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thông tin trên được đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Tuyên Quang công bố tại cuộc họp báo diễn ra chiều 1/3, tại Hà Nội.

Theo ban Tổ chức, Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La  đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2017 là lần đầu tiên Lễ hội rước mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La được tổ chức quy mô cấp thành phố và bổ sung một số nội dung mới, như lễ rước nước từ đền Thượng về đền Hạ bằng đường sông và thả đèn hoa đăng trên sông Lô; Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu; Hội thi ẩm thực; Triển lãm ảnh chủ đề “Đất và người thành Tuyên;” biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, tổ chức thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian...

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La nhằm phát huy, tôn vinh tối đa các giá trị văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là tôn vinh tín ngưỡng thờ mẫu Thoải - mẹ nước rất đậm đặc ở Tuyên Quang.

Mẫu Thoải là một trong “Tam tòa thánh mẫu” của người Việt cùng với Mẫu Thượng thiên (Mẫu Liễu Hạnh), Mẫu Thượng ngàn. Lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các di tích lịch sử cấp quốc gia, đưa lễ hội thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang nhằm thu hút du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Lễ hội đền Hạ hay còn được gọi là Lễ hội rước mẫu đền Hạ diễn ra thường niên từ năm 2007 ở thành phố Tuyên Quang. Đây cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang, diễn ra từ ngày 11-16/2 âm lịch hàng năm, thông qua đó người cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người được khỏe mạnh.

Lễ hội này thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tụ họp tại đền Mẫu, đền Ỷ La và đền Thượng để cùng tham gia rước Mẫu về đền Hạ, phường Tân Quang.

Bên cạnh phần lễ còn diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian, hát văn từ ngày từ 13-15/2 âm lịch. Đến ngày 16/2 là lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng và kết thúc lễ hội đền Hạ.

Để chuẩn bị đón tiếp du khách thập phương về dự Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, Ban tổ chức đã chuẩn bị, sắp xếp chu đáo, nhất là về cơ sở lưu trú với hàng ngàn phòng khách sạn, hơn 30 cơ sở du lịch cộng đồng (homestay).

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Thờ Mẫu là tín ngưỡng có từ lâu đời của cư dân bách Việt. Đối tượng thờ phụng gồm những nhân vật nữ có công đức được dân gian sùng bái là Thánh Mẫu - người mẹ của trăm họ như Mẫu Thoải, Mẫu Âu Cơ, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Liễu Hạnh, Bà chúa Kho..., mỗi vị Thánh có hiệu linh riêng.

Tục thờ Mẫu Thoải (Mẫu thủy-Thủy cung Thánh Mẫu) là tín ngưỡng cổ sơ nhất, dân gian coi nước như người mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài. Các đền thờ Mẫu đều có địa hình đẹp gần sông, suối.

Xưa, ngày giáp Tết đồng bào có tục dán giấy đỏ vào các gốc cây rừng đầu nguồn, thắp hương tế lễ để tỏ lòng biết ơn “mẹ nước.” Ở Việt Nam đền thờ mẫu Thoải có ở rất nhiều nơi nhưng Tuyên Quang là đậm đặc nhất. Đây cũng là một nét đặc sắc riêng có của tỉnh này./.

THANH GIANG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/le-hoi-ton-vinh-tin-nguong-tho-mau-se-dien-ra-tai-den-y-la/433507.vnp

Tệp đính kèm