Cập nhật: 06/03/2017 15:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước tình trạng ngày càng gia tăng số thanh thiếu niên có hành vi lệch chuẩn xã hội, vi phạm pháp luật, thiếu kỹ năng sống, PGS, TS Nguyễn Đức Chiện - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phân tích, chức năng, vai trò truyền thống trong giáo dục cá nhân của gia đình hiện đại đang bị đặt trước thách thức.

- Thưa ông, phải chăng trong xã hội hiện đại, lập luận “gia đình là môi trường đầu tiên giáo dục - xã hội hóa con người và đóng vai trò chủ yếu trong việc truyền thụ các giá trị, chuẩn mực đạo đức và định hướng kỹ năng sống cho các thành viên” đã không còn phù hợp?

- Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi cùng với sự phát triển của hệ thống dịch vụ xã hội phục vụ cuộc sống gia đình, nhất là ở đô thị và khu công nghiệp. Do đó, gia đình không còn là nơi đảm nhận và bao quát tất cả các chức năng gia đình như trong xã hội truyền thống, v.v.

Để bảo đảm điều kiện kinh tế và cuộc sống gia đình, cha mẹ và các thành viên lớn tuổi phải mưu sinh kiếm sống ở xa nhà. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện gần đây chỉ ra rằng nhiều gia đình ở vùng nông thôn có cha hoặc mẹ hoặc cả hai đi đến các thành phố, khu công nghiệp tìm kiếm việc làm, dẫn đến cha mẹ không có điều kiện về thời gian, thậm chí không có thời gian gần gũi giáo dục nền nếp đạo đức, kỹ năng sống, đặc biệt là kiểm soát cuộc sống thường ngày của con cái.

- Xin ông phân tích những nguyên nhân đang thách thức vai trò của gia đình Việt Nam trong giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho giới trẻ?

- Hiện nay, phần lớn là mẫu hình gia đình hạt nhân, ông bà không sống cùng con cháu. Một kết quả nghiên cứu gần đây do Viện Xã hội học thực hiện năm 2015 cho thấy: Tại một số cộng đồng nông thôn, xu hướng hạt nhân hóa gia đình đang diễn ra rất mạnh. Điều này dẫn đến người cao tuổi không thể giáo dục đạo đức, nền nếp gia phong truyền thống của gia đình cho con cháu như mô hình gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường”. Trong khi đó, cha mẹ thiếu kiến thức, quan tâm chưa đúng cách đến con cái, hay chưa coi trọng giáo dục nền nếp, đạo đức ứng xử, kỹ năng sống cho con cái.

Cũng theo một số nghiên cứu của Viện Xã hội học gần đây cho thấy, có bậc cha mẹ chỉ biết hằng ngày cho con tiền tiêu, đưa con đến trường học tập và đẩy trách nhiệm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho nhà trường và xã hội. Thậm chí, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển giai đoạn 2007 - 2011 tại một số cộng đồng cho thấy, tình trạng mâu thuẫn, bạo hành gia đình vẫn xảy ra phổ biến nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Điều này gián tiếp đã ảnh hưởng xấu đến vai trò gia đình trong định hướng đạo đức và hành vi sống của giới trẻ.

Những đứa trẻ ở làng lớn lên như cây cỏ, thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ cha. Ảnh: HỒ TIẾN

- Trong bối cảnh giới trẻ sẽ ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với những làn sóng văn hóa mới và rủi ro xã hội mới, phải làm gì để phát huy được vai trò truyền thống của gia đình trong giáo dục, thưa ông?

- Trước hết, gia đình, dòng họ cần phải quan tâm coi trọng gìn giữ truyền thống, nền nếp gia phong trong giáo dục chuẩn mực đạo đức cho giới trẻ. Ông bà, cha mẹ và các thành viên khác… cần phát huy ảnh hưởng giáo dục của mình. Chú trọng phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, không chỉ gương mẫu mà còn kiểm soát tốt hành vi của thành viên trẻ tuổi trong gia đình.

Cha mẹ cũng cần nâng cao kiến thức và thay đổi quan điểm trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho con cái, không nên phó mặc việc giáo dục kỹ năng sống cho nhà trường và xã hội.

Điều quan trọng nữa, bản thân giới trẻ cũng cần chủ động tiếp thu học hỏi những chuẩn mực, giá trị đạo đức truyền thống, các kỹ năng sống phù hợp với truyền thống gia đình và thích ứng cuộc sống hiện đại.

Cuối cùng, gia đình cùng với nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong giáo dục giới trẻ, bảo đảm tốt vai trò chung và vai trò riêng trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống nhằm giúp cho giới trẻ tiếp thu những giá trị, chuẩn mực phù hợp và thích ứng tốt với bối cảnh xã hội hiện đại.

- Xin cảm ơn ông!

 

THẢO MINH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm