Theo tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong ngày 10/3 đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Cao Bằng. Trước đó, tỉnh Bắc Ninh cũng ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm mới xuất hiện.
Tại tỉnh Cao Bằng, một ổ dịch cúm A/H5N1 phát sinh tại 34 hộ thuộc xóm Lũng Đẩy Dưới, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Số gia cầm bị chết và tiêu hủy là 1.360 con. Ngoài ra, còn có một ổ dịch cúm A/H5N6 phát sinh tại hộ dân thuộc phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 150 con gà.
Chi cục Thú y tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 9/3, Cục Thú y cho biết tại tỉnh Bắc Ninh, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi của thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 6.100 con (3.600 gà và 2.500 vịt). Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tính đến ngày 10/3, ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã Phú Mỹ Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới. Như vậy, hiện nay, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 43 hộ chăn nuôi thuộc 6 xã của 6 tỉnh và một ổ dịch ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại một hộ chăn nuôi thuộc một xã của một tỉnh chưa qua 21 ngày.
Trước diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9 ở Trung Quốc và một số hộ chăn nuôi tại một số địa phương nước ta có đàn gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N1, A/H5N6, Cục Thú y đã hướng dẫn các địa phương phòng, chống dịch cúm gia cầm.
UBND TP. Hà Nội cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn, nhất là cần kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc tập trung ở các chợ đầu mối.
Đỗ Hương
Theo baochinhphu.vn