Cập nhật: 17/03/2017 15:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các chuyên gia, chất mà những nữ bệnh nhân này được tiêm vào mặt có thể là silicon dạng lỏng.

Khoa bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, TP HCM vừa tiếp nhận hai phụ nữ bị biến chứng nhiễm trùng hoại tử viêm vón cục ở 2 bên gò má do tiêm chất làm đầy Filler để làm đẹp khuôn mặt.

Đã có không ít trường hợp đáng tiếc vì bơm silicon lỏng.

Theo chia sẻ của nữ bệnh nhân 29 tuổi, khi thấy một Spa ở TP HCM quảng cáo tiêm chất làm đầy nên đã tới làm để “nâng cấp” khuôn mặt được đầy đặn, trẻ trung hơn. Tuy nhiên, cô gái không biết mình đã được tiêm chất làm đầy loại gì và cơ sở đó cũng không có bác sĩ chuyên môn đứng tên. 3 tháng sau, bệnh nhân bắt đầu bị nhiễm trùng, hoại tử vùng má, silicon vón cục lại và rò mủ ra bên ngoài. Các bác sĩ nhận định tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân này khá nặng, phải điều trị lâu dài.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 41 tuổi nhập viện trong tình trạng mệt, chóng mặt, đau vùng mắt dữ dội ngay sau khi tiêm chất làm đầy ở mũi tại một cơ sở thẩm mỹ. Qua thăm khám, các bác sỹ nhận thấy toàn bộ phần mũi và giữa hai chân mày đang bị hoại tử. nghi ngờ bệnh nhân bị tổn thương mạch máu, bác sĩ đã cho chụp CT-scan, nhận thấy tình trạng hoại tử đang có dấu hiệu lan rộng. Bệnh nhân được cho dùng kháng sinh, kháng viêm liều cao để điều trị. Sau 2 tuần, bệnh nhân đã được xuất viện.

Theo các chuyên gia, chất mà những nữ bệnh nhân này được tiêm vào mặt có thể là silicon dạng lỏng. Chất này là để làm đầy các vùng hõm, vùng nhăn tĩnh của khuôn mặt trên cơ thể như hóp má, tái hình vùng mũi cao hơn, xóa nếp nhăn… Nếu bác sỹ có tay nghề, kỹ thuật vững thì việc tiêm chất làm đầy ít khi xảy ra biến chứng, nhưng với một số cơ sở yếu về chuyên môn hoặc sử dụng hàng kém chất lượng có thể sẽ gây biến chứng. Do vậy, khách hàng nên chọn cơ sở uy tín, được phép thực hiện thủ thuật thẩm mỹ, bác sỹ có giấy phép hành nghề. Phải chủ động tự tìm hiểu chất này ở trên mạng, ở những người có chuyên môn trước khi quyết định tiêm vào cơ thể.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương khuyến cáo: “Khi  tìm hiểu là chúng ta phải biết là chất làm đầy đó có chứng nhận của FBA hoặc của Châu Âu hay không. Chúng ta có thể yêu cầu nơi tiêm chất cho mình cung cấp thông tin bao bì chẳng hạn”.

 

Theo VOV.VN 

Tệp đính kèm