Nhiều bậc phụ huynh có mong muốn con cái phải có tấm bằng đại học, mà không cần biết có phù hợp với nguyện vọng hay khả năng của các em.
Các sinh viên tại một chương trình tuyển dụng việc làm
Muôn ngả chọn nghề nghiệp
Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước phối hợp với các tổ chức, cơ quan báo chí tổ chức các đợt tư vấn tuyển sinh cho học sinh mới thấy việc lựa chọn ngành nghề của nhiều học sinh còn rất chung chung, mơ hồ. Lỗi không chỉ bởi các em mà có phần của gia đình, nhà trường và cả cấp quản lý, lãnh đạo giáo dục.
Việc giáo dục đôi lúc theo kiểu “tầm chương trích cú”, “phổ thông” đến nỗi cái gì cũng dạy nên khi chọn theo sở trường gần như nhiều em không thể định hướng. Gia đình thì đa số do mải làm ăn nên phó mặc cho nhà trường hoặc để học sinh tự lựa chọn theo cảm hứng.
Việc để các em tự chọn nghề nghiệp là thể hiện sự tự lập, tự thân ngay khi còn trên ghế nhà trường. Song thực tế, với cách dạy và học ở nhiều nơi theo “khuôn mẫu”, “học vẹt”, chạy theo thành tích thì khó mà đào tạo ra lứa học sinh nhận biết được sở trường sở đoản của mình. Để từ đó các em có sự định hướng lâu dài cho nghề nghiệp.
Vậy mới có chuyện nhiều em học xong đại học rồi thấy không phù hợp quay lại học nghề để lập nghiệp; nhiều học sinh giỏi xuất sắc các môn nhưng thi đại học lại không đạt. Đáng nói hơn, số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp của cả nước theo thống kê trong năm qua là khoảng 300.000 người. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp, công ty, tổ chức không thể tuyển đủ lao động có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của mình.
Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng những yêu cầu cơ bản từ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp đến kỹ năng mềm như giao tiếp, tác phong công nghiệp, độ say mê nghề nghiệp... Mấu chốt việc học sinh “lơ mơ” trong nhận thức về nghề nghiệp, sinh viên thất nghiệp ngày càng đông là ở chỗ thiếu sự định hướng của gia đình, nhà trường và các cấp quản lý; là việc đào tạo không gắn liền với yêu cầu của thị trường.
Thực tế hiện nay nhiều bậc phụ huynh có mong muốn con cái phải có tấm bằng đại học, mà không cần biết có phù hợp với nguyện vọng hay khả năng của các em. Do vậy việc nở rộ các trường đại học là điều dễ hiểu. Theo thống kê cả nước hiện có 412 trường đại học, cao đẳng; tính bình quân có khoảng 6,6 trường ở mỗi tỉnh, thành phố; khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân. Đây là mức cao hơn cả các quốc gia phát triển. Điều này dẫn đến hệ lụy là cung vượt quá cầu.
Một vấn đề nữa mà lâu nay ít người đề cập là tâm lý chung của đa số các gia đình và cộng đồng là hướng các cử nhân vào làm việc trong khu vực nhà nước. Khu vực tư nhân, khu vực kinh tế ngoài nước và các thành phần kinh tế khác ít được để ý, coi trọng để định hướng cho con em.
Từ đó mới có chuyện gia đình, người thân và bạn bè đều tỏ ra ngỡ ngàng, thậm chí là phản đối và cho là “ngược dòng” khi con cái, bạn bè của mình chọn hướng rẽ, rời bỏ đời công chức để khởi nghiệp đi làm tư nhân. Trong khi hiện nay với bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa mạnh mẽ đang diễn ra, khu vực công sẽ giảm dần cả về công việc lẫn nhân sự. Mà khu vực tư nhân sẽ đảm nhận công việc nhiều hơn, cần nguồn nhân lực đông đảo,thực chất hơn, cần người làm được việc ngay.
Phân luồng ngay khi còn học phổ thông
Đã đến lúc nếu thực sự vì tương lai con em, vì một nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các bậc phụ huynh, nhà trường, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần phân luồng, định hướng cho các em trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp ngay khi các em còn đang học bậc học phổ thông.
Phải phân tích cho các em nhận thức được "sở trường, sở đoản" của mình; từ đó giúp các em tự tin trong việc chọn trường, chọn nghề trong mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nếu em nào muốn có ngay nghề nghiệp để lập thân lập nghiệp thì hướng các em học trường nghề, cao đẳng nghề. Sau đó động viên các em vừa đi làm vừa đi học lên cao hơn.
Em nào muốn chuyên sâu hơn thì học tiếp đại học và gia đình có điều kiện thì có thể học lên bậc cao nữa tùy khả năng và yêu cầu. Làm được điều này sẽ giảm được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, bớt số cử nhân thất nghiệp. Riêng bậc đại học cũng cần gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo theo địa chỉ.
Các gia đình cũng nên cởi bỏ suy nghĩ buộc con em phải vào đại học bằng mọi giá mà sự thành công của một con người chính là sự tự lập, là hiệu quả mà người đó thể hiện trong công việc. Sự học suy đến cùng là cả một quá trình dài lâu, bền bỉ, tấm bằng chỉ là một chỉ dấu cho quá trình đó.
Học tập cả trong công việc, trong đời sống hàng ngày để sáng tạo, để ứng dụng trong thực tiễn mới là sự học bền vững, giúp ích nhiều cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Theo Trọng Điển/VOV.VN