Cập nhật: 28/03/2017 16:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Câu chuyện núi Mằn (Bân Sơn) xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ - cặp song sinh cùng núi Bài Thơ (TP Hạ Long) có từ rất lâu đời. Câu chuyện này bắt nguồn từ truyền thuyết “Ông khổng lồ gánh đá vá trời” được lưu truyền trong dân gian xưa kia mà hầu như người dân bản địa nào cũng biết.

Núi Mằn thuộc thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, nằm giữa hai nhánh suối là suối Đá Trắng và suối Lưỡng Kỳ đổ ra sông Đá Trắng tạo nên cảnh quan rất đẹp, sơn thuỷ hữu tình, hệ động, thực vật phong phú. Đây cũng là núi đá có hình dáng đẹp nhất, còn nguyên vẹn trên khu vực Cửa Lục, vùng đệm của Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới. Núi Mằn điển hình cho hệ thống núi đá vôi, với các vách cao dựng đứng, khe núi hiểm trở, các tầng đá xếp nếp chồng nhau xen lẫn các phiến đá tròn nhẵn, trên đỉnh có tảng đá hình bàn tay khổng lồ độc đáo mà không ngọn núi nào trong vùng có được. Khi vượt qua những rãnh núi hiểm trở thi thoảng du khách còn bắt gặp những hang động lưng chừng núi với nhũ đá khá đẹp, trên đỉnh núi có rất nhiều vỏ ốc, sò... Đặc biệt hơn là có vụng nước tự nhiên quanh năm nước trong vắt (dân trong vùng gọi là giếng trời).

Bên cạnh những vẻ đẹp thiên tạo, núi Mằn còn có giá trị, ý nghĩa về văn hoá tâm linh. Núi Mằn gắn liền với truyền thuyết “Ông khổng lồ gánh đá vá trời”. Một truyền thuyết ly kỳ từ thời khai thiên lập địa, từ thuở loài người còn sơ khai ăn lông ở lỗ. Truyền thuyết kể rằng, vạn vật vùng này mới được kiến tạo, bầu trời còn thủng lỗ chỗ nhiều nơi, cái nắng thiêu đốt khiến con người và muôn vật khổ sở, loài người cầu khẩn thần linh được ứng nghiệm. Ông khổng lồ được cử xuống vá từng mảnh thủng của bầu trời, những mắt sọt lớn nhỏ vương vãi tạo thành trăm nghìn hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh. Gánh cuối cùng khi bước qua Cửa Lục ông trở vai đòn gánh gẫy làm đôi, một bên rơi về xã Xích Thổ (gọi là núi Bân - núi Mằn), một bên rơi về xã Hiệp Khẩu (núi Bài Thơ). Điều này lý giải cho việc hai quả núi có hình dáng giống hệt nhau, nhưng núi Bân được coi là núi anh vì núi này bắt nguồn từ đất và nước ngọt (quan niệm của người xưa kia vạn vật, sự sống bắt nguồn từ đất và nước ngọt).

Núi Mằn còn được biết đến như một ngọn núi thiêng và trung tâm của cả vùng, phía tây có hai núi chầu vào (núi Đầu Rồng); phía đông có 9 ngọn núi quy tụ hướng về núi Mằn. Trên đỉnh núi có vườn Quýt trời gắn với truyền thuyết sự hình thành của chùa Quýt cách đó không xa. Phía đông của núi Mằn còn có hang đầu Bụt, nhũ đá trong hang rất đẹp, căn cứ vào các hán tự được khắc trong vách hang thì đây là nơi thờ thần núi (Cao Sơn thượng đẳng thần) của nhân dân trong vùng từ hàng trăm năm trước.

Theo một số học giả nghiên cứu về lịch sử, địa chất, địa mạo thì núi Mằn là trung tâm đại huyệt mạch của sơn hệ - vòng cung Đông Triều. Về mặt văn hoá nó còn là nơi chứa đựng nhiều trầm tích văn hoá, cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện. Hiện nay trên đỉnh núi Mằn còn có rất nhiều vỏ sò, ngao, sú vẹt... Những hệ động, thực vật biến hoá thạch trên núi chứng tỏ kiến tạo địa chất vài chục triệu năm mới có được núi Mằn, nó không chỉ có giá trị về danh thắng mà còn có giá trị về địa chất cổ sinh học.

Leo núi Mằn cũng là thú vui vô cùng hấp dẫn, đứng ở độ cao trên 300m so với mặt nước biển, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh quan tuyệt đẹp của 2 con suối Đá Trắng và Lưỡng Kỳ hợp lại trước khi đổ ra sông Cửa Lục. Nhìn lên cao là trời mây lồng lộng, bầu trời như được đẩy lên cao hơn, xung quanh là cỏ cây hoa lá với tiếng chim hót ríu rít thật thanh bình, lãng mạn. Núi Mằn - thật xứng danh là danh thắng quốc gia./.

ST

Tệp đính kèm