Cập nhật: 29/03/2017 17:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khu di tích khảo cổ Nghĩa Lập có tổng diện tích khoảng 26.000 m2. Di tích nằm ở tọa độ 21 độ 17’57” vĩ độ Bắc, 105 độ 29’35” kinh độ Đông. Cách di tích Nghĩa Lập 4 km về phía Tây Nam là di tích khảo cổ Lũng Hòa và cách 10 km về phía Đông Nam là di tích khảo cổ Đồng Đậu (Yên Lạc). 

Di tích khảo cổ Nghĩa Lập nằm trên khu vực có nhiều dòng chảy bao quanh với mật độ dày (sông Phan, sông Phó Đáy, ngã ba sông Việt Trì). Khu di tích được phát hiện vào năm 1963. Các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khảo sát, thăm dò, điều tra vào năm 1967 và khai quật lần thứ nhất năm 1968 trên phạm vi diện tích 180 m2. Năm 2006 - 2007, đợt khai quật lần thứ 2 được tiến hành trên tinh thần hợp tác liên cơ quan giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Sở Khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên và Sở Khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây) với diện tích khai quật 184 m2. Trong đợt khai quật này, Nghĩa Lập đã tìm thấy một ngôi mộ khá nguyên vẹn, huyệt mộ hình chữ nhật (dài 2,1m; rộng 0,8m; sâu 0,45 m), trong huyệt mộ là bộ hài cốt người ở tư thế nằm ngửa, thẳng, hộp sọ khá to, bàn tay phải hơi co lại, gác lên đùi phải, bàn tay trái duỗi thẳng ốp vào đùi trái, xương ống khá to và dài. Đây là di cốt của người đã trưởng thành, cao chừng 1,55 m. Phía trên đầu hộp sọ có đặt 1 bát gốm màu hồng nhạt, miệng loe, tròn, có đường kính 30 cm, chân bát hình trụ, đế loe úp cao 23 cm, toàn bộ phần ngoài của bát được trang trí hoa văn khắc vạch. Đến năm 2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tiến hành khai quật lần thứ 3 khu di tích này với diện tích 52 m2. Sau 3 lần khai quật trên tổng diện tích 416 m2, đã phát hiện được hàng trăm hố đất đen hình gần vuông hoặc hình chữ nhật, thành thẳng, đáy bằng, sâu trên dưới 1m, có nhiều than củi, đất nung cùng nhiều hiện vật đồ đá, đồ gốm khá đa dạng về kiểu dáng. Từ đó cho thấy người thợ thủ công ở Nghĩa Lập thời kỳ này đã có ý thức trong việc lựa chọn nguyên liệu chế tác vật dụng, đồng thời sử dụng thành thạo các kỹ thuật chế tác đá như: Ghè, đẽo, cưa, mài, khoan, chuốt bóng... Chất liệu đồ gốm Nghĩa Lập chủ yếu là gốm chắc, hình dáng đồ gốm mang tính thẩm mỹ cao, hài hòa, hoa văn trang trí cân đối, phóng khoáng, cho thấy tư duy nghệ thuật, thẩm mỹ của người Nghĩa Lập đã phát triển đến trình độ tương đối cao.  Với kết quả từ các lần khai quật di tích khảo cổ Nghĩa Lập cùng với việc phát hiện ngôi mộ táng Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ học khẳng định Nghĩa Lập là một di tích cư trú - mộ táng có khung niên đại Phùng Nguyên điển hình, thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên...

ST

Tệp đính kèm