Thời gian qua, tội phạm liên quan tiền giả có dấu hiệu gia tăng. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc nhưng tội phạm tiền giả vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế, gây khó khăn trong hoạt động giao dịch tiền mặt của ngành ngân hàng. Do có lợi nhuận cao, dễ thực hiện cho nên loại tội phạm này không ngừng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn, gây không ít khó khăn cho công tác phòng, chống loại tội phạm này.
Diễn biến phức tạp
Tội phạm về tiền giả không chỉ xảy ra ở khu vực thành phố, thị xã, mà bọn tội phạm còn tiến tới các địa bàn như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chợ buôn bán tiền ở khu vực biên giới để hoạt động. Đặc biệt, bọn tội phạm đã lợi dụng một số người không có việc làm, những người nghèo, người già, trẻ em tham gia vào hoạt động phạm tội để kiếm sống làm cho tình hình tội phạm về tiền giả diễn biến ngày càng phức tạp. Điển hình là vụ việc xảy ra đêm 18-1 tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, lực lượng bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng đang lưu hành 80 triệu đồng tiền Việt Nam giả. Đối tượng bị bắt giữ là Long Văn Quốc (trú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đác Lắc). Số tiền giả thu giữ được gồm 400 tờ loại mệnh giá 200.000 đồng. Quốc khai nhận đã mua 80 triệu đồng tiền giả này của một người tại tỉnh Cao Bằng với giá 20 triệu đồng tiền thật. Tuy nhiên, do không thể sử dụng tiền giả để mua hàng ở Đác Lắc, Quốc đã mang số tiền này quay trở lại Lạng Sơn để tiêu thụ. Gần đây nhất, khoảng 19 giờ ngày 22-2, trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại địa bàn thành phố Lạng Sơn, tổ công tác của Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Huy (SN 1982, trú tại xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đang mang theo một bọc ni-lông, bên trong đựng hơn 200 triệu tiền giả loại tờ mệnh giá 200.000 đồng. Qua đấu tranh khai thác, Huy khai nhận đồng phạm là Phạm Quốc Hậu (SN 1984, trú tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Từ lời khai của Huy, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Hậu để phục vụ công tác điều tra. Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận do tên Huy có mối quan hệ với một số đầu mối sản xuất tiền giả cho nên đã rủ Hậu qua biên giới mua số tiền giả nêu trên với giá 7 triệu đồng rồi vận chuyển về Việt Nam để tiêu thụ…
Được biết, số lượng tiền giả ngày một tăng, chủ yếu là các loại có mệnh giá cao. Đây là số tiền giả do các ngân hàng, kho bạc phát hiện và thu giữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì trên thực tế, số lượng tiền giả đang lưu hành trên thị trường còn lớn hơn rất nhiều. Ngoài hai loại tiền giả phổ biến có mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng, các đối tượng buôn bán tiền giả đang “đầu tư” vào loại 20.000 đồng.
Kiên quyết ngăn chặn tiền giả
Theo các cơ quan chức năng, đặc điểm của các vụ án liên quan tiền giả là loại án truy xét, có vật chứng và phổ biến phát hiện ở khâu lưu hành. Trong khi đó, tàng trữ, lưu hành tiền giả là loại án thường liên quan tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và có liên quan đến nước ngoài. Hầu hết các đối tượng tàng trữ, lưu hành tiền giả đều khai nhận nguồn gốc tiền giả được đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, nhất là cửa khẩu Lạng Sơn, tuy nhiên, phần lớn các vụ án chỉ làm rõ được mảng trong nước, còn mảng ở nước ngoài chưa tiến hành được. Để tránh sự phát hiện của công an Việt Nam, các đối tượng làm tiền giả có nhiều thủ đoạn đối phó rất tinh vi và thường không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Chúng mua bán, giao nhận tiền giả theo phương thức một người với một người, chủ yếu sử dụng điện thoại di động để liên lạc, hạn chế gặp mặt cho nên không biết nhau, điều này càng gây khó khăn cho công tác truy bắt đối tượng làm tiền giả, nhất là khi chúng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thêm vào đó, việc kiểm soát của các lực lượng tại cửa khẩu chưa thật chặt chẽ, cho nên tiền giả đưa về ViệtNam vẫn có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, để lưu hành tiền giả, các đối tượng thường lợi dụng lúc thiếu ánh sáng, đông người... để trà trộn tiền giả vào tiền thật nhằm “qua mắt” người dân. Một cách khác tương đối phổ biến là chúng sử dụng tiền giả có mệnh giá cao mua hàng hóa có giá trị thấp, với mục đích thu về tiền thật. Tội phạm nước ngoài vào Việt Nam còn nhúng tiền giả vào hóa chất làm cho tờ bạc chuyển sang mầu sẫm, tạo cảm giác đó là tiền cũ đã được lưu thông từ lâu.
Có thể thấy, tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự xã hội và quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như của đời sống nhân dân. Thời gian tới, tội phạm về tiền giả sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp với chiều hướng gia tăng. Do đó, cần có nhận thức đúng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng cũng như quan hệ quốc tế để tạo ra các điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, cần thường xuyên tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đang tồn tại, xác định đúng nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm về tiền giả để hạn chế và xóa bỏ tình trạng này.
Vận chuyển, tàng trữ tiền giả có thể lĩnh án tử hình
Tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định rõ về việc cấm làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Nếu bắt được quả tang tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Hình sự. Mức phạt đối với tội danh này từ ba năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ nghiêm trọng.
HOÀNG DUY
Theo nhandan.com.vn