Cập nhật: 03/04/2017 14:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và triệt phá hàng chục vụ buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác, tê tê và nhiều mẫu vật xương hổ, rùa, rắn, gỗ các loại. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã bắt giữ hơn bảy tấn ngà voi, hơn 150 kg sừng tê giác, hơn hai tấn vảy tê tê, nhiều mẫu vật động vật hoang dã khác.

Theo Cục Kiểm lâm, mặc dù số lượng các vụ vi phạm trong mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã có xu hướng giảm dần từ 459 vụ năm 2014 xuống còn 295 vụ năm 2015 và 256 vụ năm 2016, nhưng tình hình phạm tội trong lĩnh vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, khi các đối tượng lựa chọn Việt Nam là điểm trung chuyển trên cả ba tuyến đường biển, đường bộ và đường hàng không. Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm cũng thường xuyên sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat… để thực hiện các giao dịch buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, kiểm soát. Trong khi đó, việc xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật, động vật hoang dã của các cơ quan chức năng mới dừng ở tịch thu tang vật và xử lý hành chính. Việc truy tố, xử lý hình sự chưa được thực hiện do vướng mắc các quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi 2009), trong khi quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 lại chưa có hiệu lực thi hành.

Năm 2017, toàn thế giới thực hiện những hành động mạnh mẽ và bền vững trong việc đóng cửa những thị trường buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và giảm nhu cầu tiêu dùng đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, cũng là thể hiện cam kết có trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã (CITES), các hiệp định song phương, đa phương và Nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã, ngày 17-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Thông qua đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân, cán bộ, công chức, nhất là lực lượng thực thi pháp luật về cuộc chiến bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã. Phối hợp chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế về các đường dây buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã xuyên quốc gia. Thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát thu thập, xử lý thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn, xác định trọng điểm, kiểm tra giám sát chặt chẽ các mặt hàng động, thực vật hoang dã, để xác lập các chuyên án đấu tranh, bắt giữ, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm, nhất là kiểm soát buôn bán, truy tố xét xử các vụ án tồn đọng liên quan đến ngà voi, sừng tê giác. Cùng với đẩy mạnh việc thực thi luật pháp có hiệu quả, cần sớm thay thế, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015, cũng như có giải pháp tạo công ăn việc làm bền vững cho cộng đồng gây nuôi, buôn bán hợp pháp động vật, thực vật hoang dã tại Việt Nam.

 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm