(Ảnh minh họa: T.H)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới thay thế cho quy chế hiện hành, với những thay đổi trong quy định về người dự tuyển, nghiên cứu sinh, giảng viên, người hướng dẫn, tuyển sinh, quy trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ… Quy chế mới có hiệu lực từ 18-5-2017.
Theo Bộ GD-ĐT, quy chế mới nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở trong nước, tạo điều kiện hội nhập với đào tạo trình độ tiến sĩ của khu vực và thế giới; phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng trường và từng ngành; tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đào tạo tiến sĩ nhằm tạo lập niềm tin của xã hội, của nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động về chất lượng tiến sĩ sau khi tốt nghiệp.
Bộ GD-ĐT cho biết: Quy chế mới gồm những quy định khung (quy định tối thiểu), trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải xây dựng quy định chi tiết phù hợp với điều kiện của từng trường, với yêu cầu cụ thể của từng ngành đào tạo nhưng không được thấp hơn những quy định của quy chế này để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống cũng như "danh tiếng, tên tuổi" của từng cơ sở đào tạo trong tuyển chọn, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ.
Nhiều thay đổi đối với người dự tuyển, nghiên cứu sinh
Quy chế mới đã đưa ra những thay đổi theo hướng nâng cao tiêu chuẩn trong yêu cầu đối với người dự tuyển, nghiên cứu sinh, giảng viên, người hướng dẫn; thay đổi trong quy định về tuyển sinh, quy trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ, gia hạn, thẩm định và cấp bằng... so với quy chế trước.
Theo quy định mới, thủ trưởng cơ sở đào tạo tiến sĩ được quyết định lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai) hay việc tuyển sinh tiến sĩ có thể tổ chức một lần hoặc nhiều lần trong năm.
Đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ, quy chế mới đã nâng cao những quy định về trình độ ngoại ngữ, minh chứng về khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh. Như người dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp đại học loại Giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ; là tác giả 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 3 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Theo quy chế mới, ứng viên dự tuyển phải có trình độ ngoại ngữ đầu vào (đặc biệt là tiếng Anh) đạt chuẩn ở mức độ nhất định để đảm bảo có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu của nước ngoài trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và hoàn thiện luận án: Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển…
Ngoài ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố kết quả nghiên cứu của luận án trong các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc trong các tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện trước thời điểm luận án được thông qua
Nâng cao tiêu chuẩn đối với giảng viên, người hướng dẫn
Các tiêu chuẩn đối với giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, người hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng được nâng cao so với những quy định trước đây. Quy chế mới quy định giảng viên giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên hoặc đã và đang tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ trở lên; còn người hướng dẫn phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên. Minh chứng về nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn còn phải thể hiện ở việc họ là tác giả chính của các bài báo hoặc công trình công bố trong các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí ISI -Scopus hoặc một chương sách tham khảo có mã số ISBN của các nhà xuất bản nước ngoài phát hành hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.
Người hướng dẫn độc lập phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc là nhà khoa học người nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo. Mỗi nghiên cứu sinh sẽ có tối đa hai người hướng dẫn, trong đó ít nhất phải có một người là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Tiêu chuẩn người hướng dẫn chính và người hướng dẫn phụ cũng được quy định rõ trong trường hợp đồng hướng dẫn.
Tổng thời gian đào tạo tiến sĩ trong quy chế mới được quy định theo Luật giáo dục đại học, phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, bảo đảm nghiên cứu sinh hoàn thiện được khối lượng học tập tối thiểu và chuẩn đầu ra đạt Bậc 8 của Khung trình độ quốc gia. Việc tổ chức đào tạo tiến sĩ được triển khai theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.
Bộ GD-ĐT quy định lộ trình công bố quốc tế đối với cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh theo hai giai đoạn: Từ khi quy chế có hiệu lực đến hết 31-12-2018 và từ sau ngày 1-1-2019 cả đối với những nhóm ngành có tính hội nhập cao và với nhóm chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kính tế, chính trị, văn hoá và xã hội đặc thù của Việt Nam.
Theo THANH XUÂN/nhandan.com.vn