Cập nhật: 01/05/2017 16:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với vai trò là đô thị đặc biệt, là đầu tàu, động lực và có sức thu hút, lan tỏa lớn ở phía nam, TP Hồ Chí Minh đã không ngừng sáng tạo, triển khai nhiều phương thức xã hội hóa, nhiều cơ chế, chính sách thí điểm linh hoạt nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND xã Đa Phước (Bình Chánh) Trương Thoại Linh cho biết: Trên địa bàn xã có 27 con sông, kênh, rạch lớn, với tổng chiều dài gần 49 km, cho nên đường sá đi lại khó khăn. Những năm gần đây, xâm nhập mặn còn gây ảnh hưởng phát triển nông nghiệp, như trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Từ khi thành phố tổ chức ký kết hỗ trợ giữa 19 quận, 25 đảng ủy cấp trên cơ sở với năm huyện các nội dung về xóa nhà tạm, dột nát, hỗ trợ học bổng và hộ nghèo phát triển sản xuất, huyện Bình Chánh nói chung và Đa Phước nói riêng “thay da đổi thịt” thấy rõ. Cả xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, đường giao thông nông thôn được đầu tư nhiều, cầu bê-tông kiên cố nối liền các nhịp bờ, chất lượng cuộc sống nông dân được nâng lên...

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, là công trình cải tạo trọng điểm của thành phố, góp phần tạo mỹ quan và nâng cao chất lượng sống của người dân. Ảnh: DIỆP ĐỨC MINH

Theo Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nét đặc sắc của thành phố là thực hiện phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, có ba huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) và 54 trong số 56 xã được công nhận hoàn thành tất cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, UBND thành phố còn hỗ trợ 100% lãi vay từ nguồn ngân sách thực hiện các dự án đầu tư về nông nghiệp đô thị, có giá trị cao. Với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực, thiết thực cho nông dân, TP Hồ Chí Minh là một trong các địa phương dẫn đầu về giá trị sản xuất trên mỗi héc-ta đất nông nghiệp. Trung bình giá trị thu được trên mỗi héc-ta đất trồng trọt của cả nước là 83 triệu đồng, thì giá trị này tại thành phố là 375 triệu đồng. Thu nhập bình quân hộ gia đình khu vực nông thôn của thành phố khoảng 40 triệu đồng/người/năm, gần gấp hai lần so với trung bình cả nước là hơn 24 triệu đồng/người/năm.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC) Lê Văn Phước cho biết: Hiện EVN HCMC đang quản lý 151 nghìn bản cam kết của Tổng công ty với 60 nghìn chủ nhà trọ về thu tiền điện đúng giá quy định. Chúng tôi đã giải quyết cho 1,46 triệu công nhân, sinh viên và người lao động (NLĐ) đang thuê nhà trọ được sử dụng đúng giá điện quy định. Các chủ nhà trọ được cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng công cộng, nhưng sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng nếu thu tiền cao hơn quy định. Cơ chế rõ ràng như vậy, cả chủ trọ và người thuê trọ đều vui. Chị Cao Thúy An, phường Tân Tạo, quận Bình Tân chia sẻ: Tui làm công nhân Công ty May Pouyuen, lương 6 triệu đồng/tháng. Trước đây, riêng tiền điện đã mất 500 nghìn đồng (bốn khẩu). Ba tháng nay, chủ nhà trọ giảm tiền còn 300 nghìn đồng/tháng vì được áp dụng giá điện sinh hoạt. Với tui, tiết kiệm được 200 nghìn đồng/tháng rất quý, vì đủ đóng tiền gửi con trẻ hằng tuần. Thật vui vì ngành điện cho dân lao động nhập cư như chúng tôi được dùng điện theo giá quy định như dân có hộ khẩu thành phố.

Chúng tôi tìm đến nơi chị An gửi con tại một nhóm trẻ gia đình mang tên Toàn Tâm (khu phố 4, phường Tân Tạo, quận Bình Tân). Nơi đây, đang nhận chăm 10 trẻ, mỗi cháu từ 6 đến 14 tháng tuổi. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, các trẻ ở đây đều có mẹ làm việc ở các khu công nghiệp. Theo quy định, mẹ các cháu chỉ được nghỉ thai sản sáu tháng, sau đó phải gửi trẻ để đi làm. Tuy nhiên, trường công, trường tư đều chưa nhận độ tuổi này, các điểm giữ trẻ tư nhân lại quá đắt, lương công nhân không thể đáp ứng khoản chi phí gửi con. Từ thực tế này, năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND quận Bình Tân thống nhất chọn khu phố 4, phường Tân Tạo làm điểm thực hiện phổ biến kiến thức và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người nuôi, giữ trẻ mà Toàn Tâm được chọn làm thí điểm, sau đó nhân rộng mô hình lên 88 điểm (tại Bình Tân) và gần 300 điểm trên toàn thành phố. Ngoài việc giữ ổn định giá điện, nước, nơi giữ trẻ, chính quyền các cấp còn quan tâm về giá thuê phòng trọ cho công nhân lao động (CNLĐ). Cụ thể, cứ mỗi năm hai lần chính quyền phường cử người đến gặp chủ nhà trọ để vận động, thuyết phục họ không tăng giá phòng. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, chính quyền các cấp và các hội, đoàn thể đều có kế hoạch, dành kinh phí giúp công nhân xa quê vui xuân đón Tết. Theo HĐND thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tổng kinh phí chăm lo Tết cho CNLĐ đã gần 661 tỷ đồng, trong đó có 35 nghìn vé xe tặng cho công nhân xa nhà về quê. Chánh Văn phòng LĐLĐ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Sơn cho biết, ngoài tặng vé xe, các công đoàn cơ sở còn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2017, công khai cho NLĐ được biết nên đã có 7.116 doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng, với mức điều chỉnh tăng từ 250 nghìn đến 1,55 triệu đồng, NLĐ rất phấn khởi.

Bên cạnh đó, các hộ nghèo, khó khăn, dễ bị tổn thương... cũng được thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm hỗ trợ, động viên để họ từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Điển hình là việc tặng thẻ BHYT cho người nghèo của các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ). Ông Nguyễn Thanh Hùng (56 tuổi, ngụ quận 8) tâm sự: “Bình thường, tui cũng không dám bỏ ra mấy trăm nghìn để mua bảo hiểm đâu, vì phải chạy ăn từng bữa. Tôi rất cảm ơn Hội CTĐ tặng thẻ BHYT, đã giúp tôi có điều kiện trị bệnh, vượt qua cơn tai biến nặng vừa qua”. Phó Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Nguyễn Hoàng Ân cho biết: Trong quý I-2017, Hội CTĐ các cấp đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà, tặng thẻ BHYT cho hơn 5.250 lượt người, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, bằng cách vận động xã hội hóa, các cấp Hội đã dành 3,3 tỷ đồng chăm lo thường xuyên 2.354 cụ già; trợ giúp thường xuyên 20.872 trẻ em nghèo khuyết tật, mồ côi, người mắc bệnh hiểm nghèo, hộ khó khăn; phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, học sinh nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo...

Nhìn lại Chương trình xóa đói, giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh, mới thấy sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm mà trọng tâm là chính quyền biết cách phát huy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng dần thu nhập hộ gia đình. Trong giai đoạn 1992-2003, thành phố đặt mức chuẩn nghèo là 2,5 triệu đồng/năm với người ở ngoại thành và ba triệu đồng/năm với người ở nội thành. Khi kinh tế phát triển và giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo thu nhập thì thành phố tăng lên chuẩn hộ nghèo là sáu triệu đồng/năm. Tiếp đó, giai đoạn 2010-2015, thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm và từ năm 2016, thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm mới là chuẩn hộ nghèo. Theo tiêu chí thu nhập này cho thấy, đến thời điểm hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã gần hết hộ nghèo.

Qua 42 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra sự biến đổi to lớn sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thực hiện tốt chính sách an dân. Từ kết quả này, thành phố tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố thông qua bảy Chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Trong đó, chú ý cải cách hành chính, giảm tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sống trong một thành phố văn minh, an toàn, trật tự và nghĩa tình.

Theo Duong Minh Anh /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm