Một ca phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện K.
Trong tổng số 172 quốc gia có báo cáo số liệu các ca ung thư, Việt Nam đứng thứ 78 về tỷ lệ mắc ung thư (nhóm hai) với tổng số khoảng 150 nghìn người mắc mới và khoảng 94 nghìn người chết do ung thư mỗi năm. Số ca mắc mới dự báo sẽ tăng lên khoảng 200 nghìn người vào năm 2020. Vì vậy, người dân cần nhận biết nguyên nhân để có biện pháp dự phòng hiệu quả.
PGS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Phòng, chống ung thư cho biết: Ung thư là bệnh lý gây ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có dưới 10% số ca ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể, gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân này thường không thay đổi được. Như vậy, có đến hơn 90% số ca ung thư phát sinh liên quan yếu tố môi trường sống: lối sống thiếu khoa học, các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn; một số yếu tố liên quan nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường, gọi chung là các yếu tố ngoại sinh (từ bên ngoài cơ thể). Đáng chú ý, các yếu tố ngoại sinh hoàn toàn có thể thay đổi được, điều đó đồng nghĩa với việc thực hiện lối sống an toàn, lành mạnh cũng như loại bỏ các yếu tố nguy cơ thì hoàn toàn có thể dự phòng được phần lớn bệnh ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá (trong khói thuốc có hơn 40 loại hóa chất khác nhau) là nguyên nhân của 30% các loại ung thư ở con người, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quang, tụy, dạ dày. Hút thuốc ở người tuổi càng trẻ, thời gian hút càng dài, số lượng thuốc hút trong một ngày càng nhiều thì càng có nguy cơ mắc ung thư cao. Nếu người hút thuốc có kèm theo nghiện rượu thì nguy cơ mắc ung thư còn cao hơn nữa. Người đang hút thuốc mà bỏ hút thì nguy cơ gây ung thư sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 5 năm ngừng hút thì nguy cơ bị ung thư phổi giảm 50%, sau mười năm ngừng hút thì nguy cơ còn không đáng kể. Những người không hút thuốc mà sống cùng với người hút thuốc (hút thuốc thụ động) thì cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan hút thuốc lá như tim mạch, hô hấp và ung thư như chính người hút, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân gây ra 35% số loại ung thư. Chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và ung thư vú. Ngược lại, chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau, hoa quả và các ngũ cốc dạng nguyên hạt, có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư. Các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm mầu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như: dạ dày, gan, đại tràng… Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit và nitrosamine là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.
Các thống kê cũng cho thấy, thuốc trừ sâu diệt cỏ sử dụng trong nông nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp là yếu tố gây ung thư vú và một số loại ung thư khác. Nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng từ 2 đến 8% tổng số các loại ung thư. Bức xạ i-on hóa như tia Rơn-ghen, phát ra từ máy chiếu, chụp X-quang, các chất phóng xạ dùng trong y học và một số ngành khoa học, có khả năng gây tổn thương gien và sự phát triển tế bào là nguyên nhân gây ra 3% số ca bệnh ung thư. Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời cũng là tác nhân gây ung thư da. Những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, thiếu phương tiện che nắng có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn.
Nhiễm vi-rút, vi khuẩn cũng là tác nhân gây ra nhiều loại ung thư. Một số vi-rút, vi khuẩn có thể gây ung thư như: vi-rút viêm gan B là nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát; vi-rút gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân gây đến 70% số các ca ung thư tử cung ở phụ nữ; vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP) thường gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày.
Thực phẩm “bẩn” là thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến hiện nay là những loại thực phẩm không sạch (nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng…); nhiễm độc (có dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng thuốc tăng trưởng, kháng sinh…); chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia, phẩm mầu độc hại có trong gia súc, gia cầm, thủy sản, thực phẩm… gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Tùy vào từng người và mức độ, các chất này có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng và gây ra những căn bệnh chết người như ngộ độc cấp, nhiễm trùng nhiễm độc, sán não. Quá trình phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau một thời gian dài tiếp xúc, sử dụng.
Chương trình mục tiêu phòng, chống ung thư đã đưa ra những lời khuyên về phòng, chống ung thư liên quan thực phẩm và thói quen ăn uống bao gồm: Không hút thuốc lá (nếu đang hút thì cần bỏ thuốc); hạn chế uống rượu; có thói quen dinh dưỡng hợp lý: ăn nhiều rau quả, giảm lượng muối; không ăn thức ăn quá cay, quá nóng; không ăn thức ăn ôi, thiu, mốc; tiêm phòng vắc-xin viêm gan B, vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung (đối với phụ nữ); tình dục an toàn; khám sức khỏe định kỳ. Nếu có dấu hiệu bất thường thì cần tới cơ sở y tế có uy tín để kiểm tra ngay.
Mười loại ung thư phổ biến ở nam giới là: phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm họng, lymphoma, máu, tuyến tiền liệt, bàng quang. Mười loại ung thư thường gặp ở phụ nữ là: vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, lymphoma, máu.
Theo TRUNG HIẾU/nhandan.com.vn