Một lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cho lao động nông thôn do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Cạn tổ chức tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn. Ảnh: THU CÚC
Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009. Đến nay, qua hơn sáu năm triển khai thực hiện, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Chữ thầy trả thầy
Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước có hơn một triệu 148 nghìn người được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp để thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới, làm dịch vụ phục vụ sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề nông nghiệp trong giai đoạn này mới chỉ đạt 75% kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), số lượng đào tạo nghề nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra; phương pháp đào tạo chủ yếu là tập trung ở trên lớp, do đó nhiều nông dân không có điều kiện để tham gia với thời gian ba tháng; một số nội dung đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay như: sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu không có trong chương trình đào tạo; nguồn kinh phí dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương hỗ trợ, mặt khác kinh phí hằng năm bố trí hạn chế cho nên các mục tiêu về số lượng đạt thấp (75%); việc phân công và cơ chế phối hợp chưa phù hợp, dẫn đến vai trò của ngành nông nghiệp đối với đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa được phát huy; các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chưa có sự phối hợp gắn kết trong tuyên truyền, định hướng thị trường, việc kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình cho nên ảnh hưởng đến kết quả đào tạo.
Hệ quả là, một bộ phận người lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp, nhưng không có đất “dụng võ”, đành bỏ nghề vừa được học. Anh Đỗ Văn Nam, ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường (Nam Định) được đi học nghề trồng nấm trong sáu tháng cùng một số nông dân khác tại địa phương. Gia đình anh và một số hộ dân có nhu cầu chuyển đổi từ nghề trồng lúa truyền thống sang sản xuất nấm rơm, bởi tại địa phương đã có một số hộ làm nghề này. Anh Nam chia sẻ: “Sau khi học nghề tôi đã trở về làm việc tại một xưởng đóng gói nấm của một hộ gia đình trong xã. Tuy nhiên, mới làm được hơn ba tháng, tôi đã quyết định xin nghỉ việc vì nghề này quá vất vả, thu nhập lại không cao. Nếu gia đình tự đầu tư để trồng nấm thì cần vốn và công nghệ. Đó là những vấn đề quá khó đối với một hộ nông dân có kỹ thuật nhưng thiếu vốn như gia đình tôi. Trong khi đó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lại không có ý định cùng nông dân đầu tư từ ban đầu mà chỉ thu mua thành phẩm”. Đành tạm gác ý định đầu tư trồng nấm, anh lên thành phố làm nghề lái xe ôm Grab. Sau khi trừ chi phí ăn, ở, mỗi tháng anh để ra được hơn 5 triệu đồng. Tính ra, gần như không mất vốn đầu tư mà lại có thu nhập tương đối ổn định. Hiện nay, không chỉ anh Nam, làng anh cũng đã có nhiều người lên thành phố hành nghề xe ôm. Họ đều cho rằng, làm nghề này vừa thoải mái đầu óc, không bó buộc thời gian, kỷ luật lao động, lại cho thu nhập khá hơn so với việc làm đúng nghề sau khi được đào tạo. Tất nhiên, đó là trước mắt, về lâu dài họ vẫn ấp ủ ý định làm giàu bằng chính nghề nông đã được đào tạo. Chỉ có điều, chẳng biết đến lúc nào thực hiện được khi mà hiện tại họ thiếu vốn đầu tư, thiếu công nghệ và sự liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Đào tạo nghề thiết thực, hiệu quả
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới cho giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1-7-2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009. Đến hết năm 2016, có 62/63 tỉnh, thành phố bố trí 235 tỷ đồng kinh phí của Trung ương và địa phương để thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp. Đặc biệt có 19 địa phương bố trí kinh phí bằng, hoặc vượt mức; 26 địa phương bố trí kinh phí bằng 50% đến dưới 100% so với năm 2015.
Mặc dù có những cố gắng như vậy nhưng năm 2016, số lao động được học nghề nông nghiệp cũng chỉ là 126 nghìn lao động (đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra) và thấp hơn so với năm 2015 là 35%. Theo Bộ NN và PTNT, sở dĩ việc đào tạo nghề chưa đạt chỉ tiêu đề ra là do năm 2016 là năm đầu triển khai Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cho nên một số ngành, địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện, nhất là về nội dung đào tạo; cơ sở đào tạo ở huyện và xã còn thiếu các điều kiện. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp còn yếu, phần lớn doanh nghiệp vẫn phải tự lo khâu đào tạo. Trong khi hệ thống chương trình, giáo trình, bài giảng chưa thay đổi kịp thời. Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí địa phương, hoặc huy động, lồng ghép các chương trình, dự án khác để dạy nghề cho lao động nông thôn. Đã vậy, việc tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề và tư vấn nghề nghiệp chưa được chú trọng, dẫn đến khó xác định nhu cầu đào tạo, chưa chủ động trong hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm.
Để đào tạo nghề lao động nông thôn thật sự hiệu quả, các cơ quan truyền thông, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương phổ biến sâu rộng nhằm giúp các cấp, ngành và toàn xã hội hiểu đúng bản chất và những quy định của Quyết định số 971/QĐ-TTg để thay đổi nhận thức về mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế tài chính và cơ chế phối hợp, từ đó thực hiện đúng các quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo nghề.
Trước mắt, cần triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch năm 2017 và kế hoạch trung hạn đã được Bộ NN và PTNT phê duyệt, trong đó cần lưu ý đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc nông dân có liên kết sản xuất với doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành. Đổi mới phương pháp đào tạo, gắn việc đào tạo lý thuyết với mô hình tại cơ sở; rà soát và điều chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo nghề hiện có để phù hợp với quy định; hệ thống khuyến nông của cả nước cũng cần tích cực tham gia vào chương trình đào tạo nghề. Đồng thời, cần lựa chọn, đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức thực hiện, trong đó xây dựng một số mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện số lượng lao động được đào tạo hằng năm, trong đó có kinh phí hỗ trợ của Trung ương, kinh phí của địa phương và từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội nhằm giúp cho công tác đào tạo nghề được thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đầu ra của học viên sau khi đào tạo phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như hiện nay.
Theo HOÀNG HÙNG - VŨ THÀNH
nhandan.com.vn