Cập nhật: 12/05/2017 14:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt công ty đa cấp có sai phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hoặc phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đối với cơ quan chức năng đó là việc thu hồi tài sản bị lừa đảo.

Hàng loạt “thành trì” đa cấp sụp đổ

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công an, Bộ Công thương quyết liệt ngăn chặn hoạt động đa cấp biến tướng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Tháng 3-2017, năm doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị rút giấy phép hoạt động, bao gồm: doanh nghiệp Tiến Thịnh Phát; Công ty cổ phần Nhượng quyền Thương mại quốc tế G10; Công ty TNHH MTV Gano Excel Việt Nam; Công ty TNHH My Fortuna và Công ty cổ phần Queenet quốc tế. Cùng thời gian này, Công an TP Hà Nội cũng được ủy thác điều tra của Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68. Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) có trụ sở tại số 10, ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, Hà Nội và các đơn vị khác có liên quan; đề nghị truy tố Lê Xuân Giang, SN 1971, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt cùng sáu đồng phạm.

Theo kết luận điều tra, Công ty Liên kết Việt được thành lập từ tháng 6-2010, có vốn điều lệ 10,8 tỷ đồng. Mặc dù hồ sơ đăng ký kinh doanh thể hiện các thành viên góp vốn nhưng thực tế Lê Xuân Giang bỏ 100% vốn. Vì Công ty Liên kết Việt được cấp giấy chứng nhận đa cấp, Lê Xuân Giang đã ký hợp đồng bán hàng và yêu cầu khách hàng nộp tiền, ban hành các chương trình trả thưởng, khuyến mại theo tỷ lệ 65% tổng doanh thu, kinh doanh theo mô hình kim tự tháp, tổ chức các sự kiện đại hội hoa hồng trái quy định, tổ chức các sự kiện quảng cáo không đúng với thực tế công ty. Từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới, phát triển 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh, thành phố, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Một trường hợp “lùm xùm” trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, là Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cũng vừa bị cơ quan quản lý thu hồi giấy phép trên cơ sở chủ động xin chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp này.

Thực tế nêu trên một mặt cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi những biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp, một mặt chứng tỏ hoạt động kinh doanh đa cấp từng phổ biến một thời đã sai phạm nhiều đến mức nào.

Khó thu hồi tài sản

Một vấn đề được nhiều người quan tâm trong việc xử lý những công ty đa cấp lừa đảo, đó là ngoài việc truy tố những kẻ phạm tội, phải làm cách nào để thu hồi được số tiền mà các nạn nhân bị chiếm đoạt. Bởi lẽ, trong mô hình hoạt động của doanh nghiệp đa cấp lừa đảo, biến tướng, người ta trả tiền hoa hồng rất cao cho những người đứng đầu, những “thủ lĩnh”. Theo đó, ai góp tiền vào cũng nhận lại hoa hồng ngay lập tức, kể cả chưa cần nhận hàng. Vì thế chính doanh nghiệp không có tiền để làm vốn. Khi gặp sự cố, “thủ lĩnh” chạy mất, người tham gia đến doanh nghiệp để đòi nhưng doanh nghiệp không có tiền. Điển hình như vụ Liên kết Việt, số tiền lừa đảo lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Có thời điểm “thủ lĩnh” của Liên kết Việt được hưởng khoản hoa hồng hàng chục tỷ đồng nhưng sau đó những người này đã chuyển đi nơi khác, việc đòi lại tài sản cho những nhà đầu tư càng khó.

Theo đánh giá của Bộ Công an, cho dù có hàng loạt điểm vô lý trong những lời chào mời tham gia bán hàng đa cấp nhưng hàng nghìn người vẫn lao vào, để rồi trở thành nạn nhân. Bộ Công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đầu tư, cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp mà mình dự định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thông tin về các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Người muốn tham gia cần nắm rõ quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần cảnh giác trước các thông tin liên quan đến hàng hóa như: Công dụng của sản phẩm, lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối. Mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm.

 

Theo NGỌC QUỲNH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm