Nông dân xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương (Nghệ An) thu hoạch lúa xuân. Ảnh: HỮU THỊNH
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp vụ đông xuân 2016-2017, các tỉnh phía bắc (từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra) gieo cấy được hơn 1,1 triệu ha, năng suất trung bình ước đạt 62,2 tạ/ha với sản lượng 7,12 triệu tấn. Kế hoạch vụ mùa 2017, các tỉnh phía bắc gieo cấy hơn 1,3 triệu ha, phấn đấu sản lượng đạt hơn 6,57 triệu tấn. Theo đó, các địa phương cần ưu tiên cơ cấu giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày, đồng thời sử dụng bộ giống có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt.
* Vụ đông xuân năm 2017, tỉnh Thái Nguyên gieo cấy hơn 30 nghìn ha lúa, trong đó diện tích lúa lai gần năm nghìn héc-ta. Theo đánh giá, năng suất bình quân ước đạt hơn 54 tạ/ha, sản lượng thóc ước đạt 165.515 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân huy động đủ phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa chín.
* Vụ hè thu 2017, tỉnh Hòa Bình phấn đấu gieo cấy 37 nghìn ha cây lương thực có hạt, phấn đấu năng suất lúa đạt 51 tạ/ha. Tỉnh yêu cầu các địa phương có kế hoạch sản xuất cụ thể; chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao hơn, lựa chọn cơ cấu giống có thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị cao phù hợp với từng địa phương.
* Đến nay, tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 6.000 ha lúa đông xuân với năng suất ước đạt 64 tạ/ha. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thu hoạch nhanh lúa đông xuân để tránh các đối tượng gây hại và triển khai sản xuất vụ hè thu.
* Vụ đông xuân 2017, tỉnh Nghệ An gieo cấy 91.874 ha lúa. Hiện nay, nông dân các địa phương đang tập trung thu hoạch, dự kiến đến đầu tháng 6 sẽ xong, năng suất dự kiến đạt hơn 66 tạ/ha. Song song với tập trung thu hoạch lúa, nông dân đang khẩn trương làm đất, gieo mạ phục vụ sản xuất vụ hè thu.
* Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 113 ha lúa vụ ba đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Nguyên nhân do thời tiết, thiếu nước, sâu bệnh gây hại. Vùng thiệt hại nặng nhất là các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Lộc, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời thuộc huyện Trần Văn Thời.
* Trong hai ngày 25 và 26-5, tại TP Hội An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Đại sứ phái đoàn Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam… tổ chức hội thảo nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững. Thời gian qua, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra tại Hội An khá nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, biển xâm thực vào đất liền từ 10 đến 15m, chiều dài khoảng 2 km. Tại hội thảo, các nhà khoa học đề xuất một số giải pháp để ngăn chặn xói lở bờ biển Cửa Đại như: sử dụng hệ thống kè mỏ hàn, tường chắn sóng; tăng khối lượng bùn cát của sông thông qua việc đề ra các quy định để quản lý lưu lượng nước và thao tác xả bùn cát bằng sức nước từ các hồ chứa thượng nguồn…
Phải cảnh báo xả nước phát điện cả trong mùa khô
Liên quan việc bốn học sinh tại huyện Sơn Hòa, Phú Yên bị đuối nước tử vong, ngày 25-5, lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trực tiếp vào Phú Yên, kiểm tra công tác vận hành của Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ.
Theo nhận định ban đầu của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), quy định vận hành liên hồ chứa chỉ yêu cầu các nhà máy thủy điện thông báo cảnh báo xả lũ trong mùa mưa; riêng mùa khô chỉ thông báo cho địa phương lịch vận hành xả nước phát điện, nên nhiều người dân không nắm bắt, không cảnh giác, đã xảy ra tai nạn thương tâm.
Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Công thương phối hợp Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ tham mưu UBND tỉnh thiết lập lại quy định trong vận hành, phải cảnh báo khi xả nước phát điện hay thay đổi lưu lượng xả nước, kể cả trong mùa khô.
Theo nhandan.com.vn