Để phòng tránh các bệnh hô hấp, nhiều bà mẹ có thói quen dùng nước muối sinh lý hàng ngày để rửa mũi, họng cho trẻ. Tuy nhiên, nước muối sinh lý cũng cần được sử dụng đúng cách.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, nước muối sinh lý 0,9% hay nước muối biển là dung dịch dùng để rửa, vệ sinh mũi họng, không phải là thuốc. Ngoài việc dùng để cung cấp và bổ sung nước cũng như chất điện giải cho cơ thể (dùng theo đường tiêm truyền theo chỉ định của bác sỹ) thì nước muối sinh lý còn được dùng làm thuốc nhỏ/rửa mắt hay mũi.
Hiện một số phụ huynh đã lạm dụng, dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho con hàng ngày để phòng chống các bệnh viêm mũi, họng trong khi trẻ không bị bệnh. Đây là việc làm sai lầm do trong mũi, họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.
Nếu lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi sẽ khiến mũi trẻ mất đi dịch tiết tự nhiên, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc, khiến mũi trẻ bị rát, kích ứng mũi, chảy nước mũi, ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, khô mũi thậm chí dễ gây nên viêm nhiễm mãn tính. Ngoài ra, việc sử dụng nước muối sinh lý hàng ngày có thể tạo cảm giác trẻ luôn bị bệnh, chưa kể đến việc rửa mũi sai tư thế có thể khiến trẻ bị đau, chảy máu, hoặc là gây viêm tai giữa.
Nước biển và nước muối sinh lý chỉ thật sự tốt khi trẻ có tình trạng viêm mũi, ngạt và chảy nước mũi nhiều. Lúc này, nó được dùng để bơm rửa, đảm bảo sự thông thoáng cho mũi. Ngoài ra, cũng có thể dùng các dung dịch nước muối để vệ sinh mũi sau khi đi xa, tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Cha mẹ cần nhớ không nên dùng nước muối sinh lý hàng ngày.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tuyết Xương nêu rõ: Khi rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, các phụ huynh cũng cần thực hiện đúng cách.
Cha mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường; để đầu thấp, mông cao, đặt 1 tay lên đầu trẻ và giữ nhẹ để tránh việc trẻ giãy giụa, có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi; đồng thời, lót khăn xô dày dưới cổ và đầu trẻ để nước rửa chảy ra thấm vào đó. Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì cha mẹ có thể tiến hành rửa luôn; còn trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi thì nên nhỏ 2-3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.
Sau đó, cha mẹ đặt miệng lọ nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên của trẻ, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra ở lỗ mũi bên kia; như vậy dịch mũi và rỉ mũi có thể cuốn theo nước muối chảy ra lỗ mũi phía bên kia. Cha mẹ nên dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng trẻ, trấn an con vài phút trước khi quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia của bé (cách làm tương tự).
Nếu dịch mũi quá đặc và không thể trôi ra theo nước, người lớn có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Cha mẹ cần bơm rửa cho đến khi nước rửa chảy ra màu trong, không còn dịch mũi nhầy; ngày rửa mũi từ 3 đến 5 lần; lưu ý không dùng xi lanh chứa nước muối sinh lý bơm, rửa mũi bé do có thể làm trầy, xước niêm mạc mũi của trẻ.
Đặc biệt, trẻ bị các bệnh về mũi, xoang có thể dùng nước nuối sinh lý để rửa mũi cho bé nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa tai- mũi -họng…
Theo THU PHƯƠNG/VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-y-te-khuyen-cao-khong-nen-lam-dung-nuoc-muoi-sinh-ly/448967.vnp