Cập nhật: 15/06/2017 14:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn chiều 14-6.

Trả lời chất vấn chiều 14-6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, tai biến y khoa là sự cố gây đau lòng cho đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế. Nếu không tuân thủ quy trình, các sai sót sẽ xảy ra. "Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm với các sai phạm dẫn đến sự cố y khoa", Bộ trưởng hứa.

Sự cố chạy thận ở Hòa Bình gần đây khiến nhiều đại biểu và cử tri quan tâm đến quan điểm và cách xử lý của Bộ Y tế liên quan đến tai biến y khoa. Tuy nhiên, đến cuối phiên chất vấn chiều 14-6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới dành vài phút nói về vấn đề này.

Ngay từ phiên chất vấn sáng 14-6, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đã đặt vấn đề: “Mặc dù y đức của cán bộ y tế đã được cải thiện, song vẫn là một tồn tại khi các sự cố y tế xảy ra thì trong các nguyên nhân đều có nguyên nhân về y đức”.

Sau đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu thực tế: Vừa qua xuất hiện tình trạng tai biến y khoa liên quan đến vận hành các thiết bị y tế. “Hiện vẫn còn thiếu những quy định về bảo hành, bảo trì thiết bị. Trách nhiệm của các công ty cung cấp trang thiết bị y tế như thế nào?"

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ thống nhất, ban hành phác đồ điều trị chuẩn để giảm thiểu tai biến và sự cố y khoa. Ông Lộc muốn làm rõ những giải pháp chỉ đạo của Bộ trưởng trong thời gian tới.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Đặng Xuân Phương (Đác Lắc, ảnh dưới) hỏi: “Tới đây, Bộ có cơ chế gì để người dân tham gia giám sát phòng ngừa rủi ro và giám sát quá trình khắc phục tai biến y khoa tại các bệnh viện”?

Trả lời các câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp để hạn chế tai biến y khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, tai biến y khoa là sự cố gây đau lòng cho đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế. Bộ đã có đề án thành lập Hội đồng An toàn bệnh nhân tại Cục Khám chữa bệnh và cũng đã ban hành 5.000 quy trình khám chữa bệnh, quy trình về trang thiết bị y tế cũng đã được ban hành chặt chẽ.

“Nhưng vấn đề là phải thực hiện nghiêm quy trình đó. Thực ra thì tai biến y khoa luôn có, khó có thể dừng được, chỉ có thể khống chế, ngay cả các nước phát triển cũng xảy ra. Sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp tục ban hành những thông tư, chỉ thị, xử lý nghiêm sai phạm”, Bộ trưởng nói thêm.

Để trục lợi bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội nên xem lại trách nhiệm

Liên quan đến tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, trước nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội mà Bộ trưởng Y tế không thể trả lời được, Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã đăng đàn giải trình tại Quốc hội.

Bà Minh cho biết, Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực năm 2015 là bước tiến rất dài về an sinh xã hội, thể hiện ưu việt của chế độ chúng ta; quyền lợi được hưởng so với mức đóng thì quyền được hưởng rất cao. Khi ban hành nhiều đối tượng được ưu tiên như người nghèo, học sinh sinh viên được tiếp cận dịch vụ y tế

Thời gian qua, mỗi năm khám chữa bệnh cho 150 triệu lượt người. Hiện nay độ bao phủ của bảo hiểm y tế là 77 triệu người, chiếm khoảng 83% dân số.

Về quỹ bảo hiểm y tế, bình quân mức thu chưa đến 30 USD nhưng tổng quỹ hiện nay chúng ta huy động một năm được trên 70.000 tỷ đồng. Chất lượng khám chữa bệnh nâng lên rất nhiều, tinh thần thái độ tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên do đối tượng phục vụ quá lớn, 150 triệu lượt người và rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, dẫn tới tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Minh cho biết, thời gian tới sẽ tiến hành công khai các thông tin liên quan đến bảo hiểm y tế để tránh tình trạng trục lợi. Đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để quản lý hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế...

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế còn khá phổ biến, thậm chí có những bệnh viện đã thực hiện cả cách kéo dài ngày nằm của bệnh nhân. Ví dụ về việc mổ Phaco thì trung bình chỉ cần nằm viện hai ngày, nhưng có bệnh viện để bệnh nhân nằm tới 7 ngày. Bệnh viện huyện thường sử dụng số giường không đến 100% công suất, nhưng hiện nay, các tỉnh báo lên có tình trạng sử dụng đến 200-300% công suất.

"Năm nay quỹ bảo hiểm y tế đã phải chi khoảng 80.000 tỷ đồng, tăng lên khoảng 7.000 tỷ đồng so với năm trước. Chúng tôi tính toán thấy số tăng này không bình thường", bà Nguyễn Thị Minh nói.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Hạn chế hiện nay là bảo hiểm vẫn chưa liên thông được số liệu, làm thủ công, người này chẳng biết người kia làm gì. Tôi nghĩ rằng Bảo hiểm xã hội nên xem lại trách nhiệm của mình, không nên đổ hết lỗi cho người dân và ngành y tế, tất cả do cái nghèo mà ra”.

Theo THẢO LÊ - TUYẾT LOAN.

 Ảnh: DUY LINH

nhandan.com.vn

Tệp đính kèm