Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 4-6-2017, cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại 47 tỉnh/thành phố. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trên cả nước cần phải tăng cường công tác phòng ngừa và điều trị SXHD.
Trong số 36.437 trường hợp mắc SXHD, có 10 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố: Đồng Nai (01), Bến Tre (01), Đồng Tháp (02), Tiền Giang (01), TP Hồ Chí Minh (01), Hà Nội (01), Trà Vinh (03). So với cùng kỳ năm 2016 số mắc là 36.224, tử vong là 10 trường hợp.
Để tiếp tục chủ động và nâng cao chất lượng của công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do SXHD, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tiếp tục tổ chức phổ biến, tập huấn, tập huấn lại "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue" tại khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm, ... của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do đơn vị quản lý.
Đồng thời, tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối của hệ thống điều trị SXHD gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến, xem xét điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, xử lý, theo dõi, điều trị người bệnh SXHD cho phù hợp với tình hình của từng bệnh viện và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được Bộ trưởng Y tế phân công. Đồng thời, tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Vừa qua, tại địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, cũng đã ghi nhận có 404 trường hợp mắc SXHD từ ngày 12-6 đến 18-6. Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 2.012 trường hợp mắc SXHD, một trường hợp tử vong. Các địa bàn có số mắc cao là Đống Đa (573), Hoàng Mai (408), Hai Bà Trưng (145), Thanh Xuân (116), Hà Đông (116).
Ngày 14-6-2017, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố tổ chức giao ban công tác phòng chống dịch với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã. Trong buổi giao ban, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Theo THIÊN LAM/ nhandan.com.vn