Hàng loạt giấy tờ giả liên quan ô-tô bị Cảnh sát giao thông Thừa Thiên - Huế phát hiện, thu giữ. Ảnh: THẢO VI
Tội phạm làm giả giấy tờ đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, chế tài xử phạt loại tội phạm này lại chưa đủ mức răn đe, dẫn tới những hành vi phạm tội vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Công an quận Hoàng Mai vừa triệt phá, một đường dây làm, bán bằng giả tinh vi và quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Sáu đối tượng trong đường dây bị bắt gồm: Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Văn Cảnh, Hoàng Anh Tùng, Nguyễn Văn Huy, Hoàng Anh Quang, Cao Thị Ngọc Anh đều tạm trú tại Hà Nội. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ gần 100 con dấu các loại của các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội, cùng hơn 1.000 văn bằng, phôi và các phương tiện máy móc làm giả. Những tấm bằng được làm giả tinh vi từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy. Các đối tượng khai nhận trung bình một tháng cho ra thị trường hơn 30 văn bằng giả, mỗi bộ giá từ năm đến bảy triệu đồng. Ðể tránh bị phát hiện, các đối tượng còn làm giả toàn bộ hồ sơ từ bảng điểm, học bạ... của sinh viên từ khi nhập học đến khi ra trường. Ðồng thời phân chia đường dây ra thành nhiều mắt xích: từ các nhóm tìm kiếm khách hàng, đến các nhóm chuyên in ấn, nhóm làm giả con dấu, chữ ký... đều tách biệt, không quen biết nhau... Cơ sở này đã hoạt động được sáu tháng.
Trước đó, cuối tháng 3, Công an quận Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) đã triệt phá một đường dây mua bán, làm giả các loại giấy tờ rất lớn hoạt động liên tỉnh và bắt giữ 14 đối tượng, thu giữ hàng chục xe máy, ô-tô cùng nhiều biển số xe giả. Qua lấy lời khai, các đối tượng thừa nhận bắt đầu công việc làm giả giấy tờ từ tháng 7-2016 và đã làm hơn 1.000 giấy tờ các loại như bằng lái xe, giấy tờ xe, chứng minh nhân dân... Tất cả đều mua phôi trên máy tính, rồi chỉnh sửa, in scan mầu.
Trên thực tế, việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả để lừa đảo cơ quan, tổ chức hoặc công dân gây thiệt hại rất lớn; thậm chí, có trường hợp gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, nhất là đối với các giao dịch mua bán nhà, đất, thế chấp vay vốn tín dụng... Bên cạnh đó, việc sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả, cá biệt có cả đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ngày càng tăng. Vì thế nếu không xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả sẽ làm cho tình trạng này càng thêm trầm trọng.
Mặt khác, việc quản lý các loại phôi giấy tờ, bằng cấp ở một số nơi còn khá lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật, trục lợi. Ðiển hình là có địa phương, cán bộ phòng tài nguyên môi trường lấy hàng trăm phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giả chữ ký đóng dấu cấp cho người dân để bỏ túi khoản tiền lớn trong thời gian dài.
Tội phạm làm giấy tờ giả đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, chế tài xử phạt loại tội phạm này lại chưa đủ mức răn đe dẫn tới những hành vi phạm tội vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn (Ðoàn luật sư TP Hà Nội): Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm. Dư luận cho rằng, mức hình phạt này chưa tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội, chưa đủ răn đe, phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Theo HOÀNG DUY/nhandan.com.vn