Thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng dùng thủ đoạn thuê người dân đứng tên hoặc sử dụng giấy tờ, thông tin giả thành lập mới doanh nghiệp (DN) để thực hiện những phi vụ buôn lậu, xuất, nhập khẩu hàng cấm, trốn thuế với quy mô lớn. Đây là thủ đoạn mới gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý.
Đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) kiểm tra, bắt giữ 10 công-ten-nơ hàng nhập lậu là hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Các lô hàng này đều được nhập khẩu theo loại hình hàng chuyển cảng, hàng quá cảnh. Đáng chú ý, nhiều DN đứng tên nhập khẩu các lô hàng lậu nêu trên đều mới được thành lập và không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Tổng cục Hải quan nhận định, các đối tượng có dấu hiệu thành lập khống DN để thực hiện hành vi phạm pháp. Những DN này thường không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, không có bảng tên hiệu công ty, người đại diện pháp luật né tránh, không hợp tác với cơ quan hải quan trong xử lý vi phạm. Các đối tượng thường bỏ DN cũ, lập DN mới hoạt động trong thời gian ngắn, luôn thay đổi địa chỉ, mã số thuế công ty… Khi làm thủ tục hải quan, DN khai báo các thông tin hàng hóa không thuộc diện kiểm tra quản lý chuyên ngành, không bị cảnh báo rủi ro… để đăng ký tờ khai nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Điển hình là vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH thương mại, dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu Trọng Nguyễn. Được thành lập cuối tháng 3-2017, hai tháng sau, công ty này đứng tên nhập khẩu lô hàng theo loại hình chuyển cửa khẩu qua cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Số hàng được Công ty khai báo là hàng hóa không thuộc diện kiểm tra quản lý chuyên ngành, không bị cảnh báo rủi ro. Nhưng khi kiểm tra, cơ quan hải quan phát hiện là hàng điện tử, điện lạnh thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty ở phường 1, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho thấy không có DN nào hoạt động tại đây.
Cơ quan hải quan còn phát hiện một số DN mới cấp phép thành lập như Công ty TNHH Một thành viên Thương mại, dịch vụ Máy chế biến gỗ Phúc An (Bình Phước); Công ty TNHH Một thành viên Thương mại, dịch vụ xuất, nhập khẩu Phương Nam (Bình Phước)… cũng sử dụng chiêu trò thành lập DN mới để đứng tên nhập khẩu các lô hàng cấm, hàng lậu qua loại hình hàng chuyển cảng, chuyển cửa khẩu.
Tổng cục Hải quan cảnh báo hiện tượng DN thuê mướn lao động không có trình độ như xe ôm, thợ xây, người bán bún bò… để làm người đại diện DN; giả mạo chữ ký, địa chỉ công ty không có thật để nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, lợi dụng sơ hở để buôn lậu, thẩm lậu hàng quá cảnh vào Việt Nam. Mới đây, Công ty TNHH vận tải Triệu Hiển ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh làm thủ tục quá cảnh 180 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 plus sang Cam-pu-chia, nhưng đã không thực hiện việc quá cảnh mà thẩm lậu vào Việt Nam 178 chiếc.
Vụ việc đã bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) khởi tố về tội buôn lậu ngày 16-1-2017. Qua điều tra, đã xác định ông H. được Kim Thế C. thuê làm giám đốc cho công ty nói trên. Kết quả giám định tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy Kim Thế C. giả chữ ký của ông H. để ký vào các chứng từ hải quan của lô hàng 180 chiếc điện thoại thuộc bộ hồ sơ hải quan.
Các đối tượng còn lợi dụng cơ chế chính sách thông thoáng về thủ tục trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu để núp bóng các DN “sạch”, DN chấp hành tốt pháp luật hải quan để thực hiện hành vi phạm pháp, vì DN chấp hành tốt thì được hệ thống phân luồng xanh, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, miễn kiểm tra hồ sơ.
Để xử lý tận gốc tình trạng nêu trên, khi cấp phép thành lập DN hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, các cơ quan có thẩm quyền cần xác minh tỉ mỉ, cụ thể, làm rõ nhân thân người đại diện pháp luật và địa chỉ kinh doanh của DN, tránh tình trạng DN sử dụng giấy tờ, thông tin giả để thành lập DN.
Theo VĨNH KHANG/nhandan.com.vn