Cán bộ nông nghiệp huyện Tân Thạnh (Long An) khảo sát tình hình sâu bệnh trên lúa hè thu tại xã Hậu Thạnh Đông. Ảnh: Kiên Định
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén cho nên các tỉnh Bắc Bộ có mưa, vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Từ đêm nay (27-6), đến đêm 29-6, do ảnh hưởng kết hợp với hội tụ gió trên cao, ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, vùng núi phía bắc có mưa to đến rất to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo mưa dông diện rộng ở Bắc Bộ, mưa to ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài đến khoảng ngày 5-7.
* Theo dự báo, từ ngày 27 đến 29-6, một đợt lũ nhỏ sẽ xuất hiện trên thượng lưu sông Hồng - Thái Bình với biên độ lũ lên từ 2 đến 4 m. Lưu lượng đến các hồ chứa lớn trên thượng nguồn sông Đà và sông Gâm sẽ tăng nhanh với biên độ lũ lên từ 1.000 đến 1.500 m3/giây. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông chính ở mức dưới báo động 1. Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía bắc, nhất là một số tỉnh như: Lào Cai (nguy cơ đặc biệt cao tại huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng), Hà Giang (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quảng Bạ, Yên Minh), Lai Châu (nguy cơ tại các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ), Điện Biên (nguy cơ cao tại huyện Mường Nhé), Cao Bằng (nguy cơ cao tại huyện Bảo Lạc, Hà Quảng, Trùng Khánh). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
* Cục Bảo vệ thực vật cho biết, vụ lúa hè thu năm 2017, các tỉnh, thành phố phía nam đã gieo sạ được khoảng 1,7 triệu héc-ta lúa. Các đối tượng sinh vật gây hại ở mức độ trung bình, tuy nhiên, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá phát sinh gây hại cao hơn cùng kỳ năm 2016. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã phát sinh gây hại tại nhiều địa phương với hơn bảy nghìn héc-ta lúa, tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang.
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi các tỉnh, thành phố phía nam về việc phòng, chống các loại bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tại nhiều địa phương. Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc chỉ đạo nông dân thực hiện lịch gieo sạ tập trung, né rầy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
* Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, lực lượng chức năng và người dân tỉnh Hậu Giang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng thú y tỉnh đã tổ chức tiêm phòng cho hơn 1,9 triệu con gia cầm, tiêm phòng dịch tả cho hơn 61.800 con lợn, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho hơn 6.300 con lợn. Thực hiện nhiều đợt lấy mẫu các lồng nhốt gia cầm tại các chợ trên địa bàn TP Vị Thanh nhằm giám sát sự lưu hành của vi-rút cúm gia cầm.
* Tỉnh Bạc Liêu phối hợp Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và các đơn vị liên quan phát động chương trình giải cứu đàn lợn trên địa bàn tỉnh. Ngay sau lễ phát động, ban tổ chức đã trực tiếp đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn hai xã Vĩnh Mỹ B và Minh Diệu (huyện Hòa Bình) để mua lợn trợ giá, giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trao tặng thịt lợn cho các hộ gia đình khó khăn và các trung tâm xã hội.
* Để bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão năm 2017. Theo đó, các huyện, thị xã có hồ chứa tổ chức kiểm tra và lập biên bản thông báo kết quả cho các đơn vị trực tiếp quản lý. Thanh Hóa có 610 hồ chứa, tuy nhiên, nhiều hồ chứa tiềm ẩn sự cố, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân, Quan Hóa.
* Tại Bình Định, gần 30% số hồ đập đang trong tình trạng xuống cấp, có thể không hoàn thành được việc nâng cấp, sẵn sàng ứng cứu cho mùa mưa năm nay. Toàn tỉnh có 164 hồ chứa nước nhưng gần một phần ba trong số này đang xuống cấp. Do khó khăn về kinh phí sửa chữa hiện nay, tỉnh đã phân bổ một phần nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), phần còn lại là tỉnh đối ứng. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng chỉ có thể giải quyết cho việc nâng cấp ba hồ chứa có nguy cơ cao.
* Tại Cà Mau, đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa - tôm được phát triển mở rộng lên đến 10 nghìn ha tại ba huyện thuộc vùng ngọt hóa gồm U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình, với sản lượng khoảng 50 nghìn tấn, chủ yếu tập trung sản xuất lúa theo mô hình VietGAP. Tỉnh quy hoạch phát triển sản xuất lúa trên đất nuôi tôm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành hàng lúa chất lượng cao phục vụ chế biến lúa gạo xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định chuyển mục đích sử dụng 23,66 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ.
Theo nhandan.com.vn