Cập nhật: 05/07/2017 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm nay, nước ta chưa phải hứng chịu nhiều cơn bão, song theo dự báo, thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan. Theo đánh giá của Bộ Công thương, thực tế năm 2016 cho thấy, các đơn vị ngành công thương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; rà soát cập nhật và xây dựng kế hoạch, phương án PCTT phù hợp với đặc thù của đơn vị, bố trí phương tiện, vật tư dự phòng, ứng trực xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho người và công trình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác PCTT và TKCN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Một số đơn vị chưa thật sự coi trọng xây dựng kế hoạch, phương án PCTT; công tác tuyên truyền, diễn tập các phương án PCTT chưa được thực hiện thường xuyên; thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn lớn. Ước tính, năm 2016, thiên tai bão lũ đã gây thiệt hại cho ngành công thương 470 tỷ đồng.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong năm 2017 có khoảng từ 13 đến 15 cơn bão trên Biển Ðông và có khoảng từ ba đến bốn cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (tập trung vào khu vực Trung Bộ), lũ quét, sạt lở đất có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2016. Do đó, để triển khai hiệu quả công tác PCTT và TKCN, năm 2017, các đơn vị ngành công thương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; rà soát, hiệu chỉnh phương án PCTT và TKCN theo phương châm "bốn tại chỗ"; cập nhật bổ sung đầy đủ các hình thái thiên tai; tổ chức phổ biến, hướng dẫn, diễn tập để chủ động ứng phó thiên tai khi xảy ra, đặc biệt đối với các tình huống bão mạnh và siêu bão; chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó mọi tình huống do thiên tai gây ra và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khi có yêu cầu...

Ðối với các công trình thủy điện, chủ đầu tư phải vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương, các chủ hồ có liên quan trong công tác vận hành hồ chứa, nhất là vận hành xả lũ; tổ chức kiểm tra thường xuyên các hạng mục công trình trước, trong, sau các đợt lũ, bão và khắc phục kịp thời các yếu kém, bất cập có nguy cơ gây mất an toàn cho đập, nhà máy; rà soát, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão, bảo đảm an toàn đập năm 2017, phương án bảo vệ đập, phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt… Các đơn vị truyền tải, phân phối điện phải kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực xung yếu của lưới điện để gia cố, chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng, nhân lực để kịp thời khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại bảo đảm an toàn, nhất là có phương án duy trì cấp điện cho các công trình phòng, chống thiên tai.

Các đơn vị khai thác khoáng sản, hóa chất, dầu khí, xăng dầu có phương án bảo đảm an toàn các công trình, khu mỏ, bãi thải, bồn chứa...

Các sở công thương rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, chia cắt, nhất là các khu vực có thể bị chia cắt trong thời gian dài để xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ các hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để nâng giá, găm hàng và đưa hàng kém chất lượng phục vụ nhân dân.

 

Theo THANH QUÂN/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm