Cập nhật: 14/07/2017 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sinh viên tình nguyện Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) giúp người dân xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương, Thái Nguyên) dọn dẹp đất sạt lở. Ảnh: PHẠM HƯƠNG QUỲNH

Đợt mưa, lũ kéo dài từ ngày 6 đến 13-7 tại các tỉnh phía bắc được đánh giá là không lớn, nhưng vẫn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều địa phương. Do đó cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả, các địa phương cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài để ổn định cuộc sống, hoạt động sản xuất của người dân, nhất là khi mưa, lũ được dự báo sẽ còn diễn biến bất thường.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT), trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên và Hòa Bình, mức độ thiệt hại tăng lên từng ngày. Đến nay đã có hàng chục người chết và mất tích. Ngày 12-7, tuy số người chết và mất tích không tăng so với ngày 11-7, nhưng số nhà cửa, hoa màu bị thiệt hại vẫn tiếp tục tăng, trong đó số nhà bị sập đổ, cuốn trôi là 462 nhà (tăng 287 nhà); 64 nhà phải di dời (tăng 12 nhà); hơn 1.438,15 ha lúa (tăng 919,08 ha) bị ngập úng, thiệt hại; khối lượng đất đá sạt lở trên các tuyến đường giao thông cũng tăng từ gần 103 nghìn m3 lên hơn 135 nghìn m3; đã có gần 10 cầu, cống bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính hàng chục tỷ đồng.

Thiệt hại nặng nhất là Lai Châu và Hà Giang, đến nay mỗi địa phương đã có 10 người chết, ít nhiều có liên quan đến mưa lũ; thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Ước thiệt hại toàn tỉnh Lai Châu đến thời điểm hiện tại là gần 40 tỷ đồng. Trong đó, nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc cục bộ với khối lượng đất đá sạt sụt lên đến hàng nghìn m3; khoảng 40 công trình công cộng bị thiệt hại, gần 300 ha cây trồng, ao cá bị vùi lấp, phải di chuyển khẩn cấp gần 100 hộ dân đến nơi an toàn. Tại tỉnh Hà Giang, ngoài 10 người chết còn có chín người bị thương, gần 300 nhà bị sập đổ, hơn 227 ha lúa, ngô, mạ bị ngập úng, vùi lấp, mất trắng. Gần 250 m kênh mương bị đứt gãy, hai công trình thủy lợi và hàng chục công trình điện bị hư hỏng. Hơn 100 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở, đất đá vùi lấp với khối lượng hơn 6.000 m3. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính lên đến 65 tỷ đồng.

Tại Bắc Cạn, mặc dù chưa có thiệt hại về người do mưa, lũ gây ra, nhưng UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP Bắc Cạn và lực lượng chức năng không được lơ là, chủ quan. Với sự chỉ đạo quyết liệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra thiệt hại do chủ quan, cho nên các địa phương nắm vững các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống và đã chủ động di dời 15 hộ dân đến nơi an toàn trước khi sạt lở xảy ra, vì thế không có thiệt hại về người. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Chứng kiến những cánh đồng lúa mới cấy sớm ở huyện Bạch Thông (Bắc Cạn) đang ngập chìm trong nước, ông Nông Văn Tá ở xã Tân Tiến cho biết: “Gia đình mới cấy lúa mùa sớm được hơn một tuần nay thì lũ quét qua, bùn đất vùi lấp, sẽ phải cấy lại, nhưng khó nhất bây giờ là không còn mạ”. Không chỉ lo mất mùa do mưa lớn, nhiều hộ dân sống ven sườn núi, bờ sông còn thêm nỗi lo lũ quét, sạt lở đất. Chị Đỗ Thị Lâm chia sẻ: “Mấy ngày nay chúng tôi luôn sống trong tâm trạng bất an vì chỉ sợ sườn núi phía sau lở xuống nhà. Hôm mưa to, nghe tiếng đất đá sau nhà rơi lộp bộp lại không dám ngủ, bật điện ngồi canh nhà, canh người, nhỡ xảy ra lở lớn thì còn biết mà chạy”.

Tránh để "nước đến chân mới nhảy"

Nhận định về đợt mưa, lũ vừa qua, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT Văn Phú Chính cho biết, đợt mưa lũ đầu tháng 7 này mới chỉ là mưa, lũ đầu mùa cho nên không lớn, nhưng đã có thiệt hại lớn về người và tài sản, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn đơn giản, chủ quan, cộng thêm tình trạng trên “nóng”, nhưng dưới “nguội”, nhất là ở cấp chính quyền thôn, bản. Trong khi sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chương trình, chính sách phòng, chống và làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ khắc phục hậu quả còn hạn chế. Ngay tại tỉnh Lai Châu, mặc dù chính quyền các địa phương đều có cảnh báo về việc đi lại trong những ngày mưa lũ, song một số người dân vẫn chủ quan, cho nên gặp nạn dẫn đến tử vong. Vì vậy, rút kinh nghiệm đợt mưa, lũ vừa qua, các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn về người, đặc biệt là tuyên truyền cảnh báo mưa, lũ, tổ chức canh gác khu vực ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, di dời các hộ dân vùng nguy cơ cao về sạt lở, tránh tư tưởng chủ quan trong các cấp lãnh đạo cũng như người dân để xảy ra thiệt hại không đáng có về người như đợt mưa, lũ vừa qua. Trước mắt, cần nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, tranh thủ những thời điểm mưa dứt, để khẩn trương thông đường, ngành giao thông phối hợp với các xã, thị trấn huy động các lực lượng, máy móc khắc phục các điểm sạt lở. Đến nay, hầu hết các tuyến đường đã thông xe ô-tô, tuy nhiên, tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, do có nhiều điểm sạt lở ở các xã vùng cao cho nên mới tạm thời thông đường cho xe máy qua lại. Hiện tại, mưa vẫn tiếp diễn, vì vậy Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì chế độ trực 24 giờ hằng ngày từ tỉnh đến xã để chủ động rà soát, di dời các hộ dân sống ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, tỉnh thực hiện việc phân cấp mạnh trong hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại về tài sản, nhà ở; các địa phương chủ động rà soát, đo đếm, tính toán hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng của huyện. Tỉnh cũng đã có phương án dự phòng các giống lúa, ngô để hỗ trợ người dân gieo cấy lại diện tích hoa màu mất trắng, hoặc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở những nơi không có điều kiện thuận lợi. Về lâu dài, tỉnh Hà Giang đang thực hiện đề án ổn định dân cư, trong đó mục tiêu từ nay đến năm 2020 di dời khoảng năm nghìn hộ đến nơi ở mới.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) Thèn Ngọc Minh cho biết thêm, trong ngày 9-7, tại thị trấn Vinh Quang xảy ra vụ sạt lở đất làm sập nhà khiến hai cháu nhỏ tử vong. Huyện đã huy động hơn 500 người thực hiện tìm kiếm cứu nạn, trích kinh phí của huyện và vận động cán bộ ủng hộ, hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 15 triệu đồng; tiến hành thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mai táng cho gia đình nạn nhân; kịp thời đưa những người bị thương đến cơ sở y tế cứu chữa.

Tại tỉnh Bắc Cạn, theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ma Trương Thiêm: Nhờ duy trì tuần đường thường xuyên cho nên các vụ sạt lở đều được phát hiện ngay sau khi xảy ra và đơn vị đã kịp thời chỉ đạo đưa phương tiện, thiết bị, nhân lực san gạt, xử lý sạt lở, sau bốn đến năm giờ là thông đường bước một, không để ách tắc giao thông kéo dài. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường hiện đã xuất hiện hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở, lượng đất, đá rất lớn từ sườn núi có thể sạt xuống mặt đường bất cứ lúc nào; riêng quốc lộ 3B từ TP Bắc Cạn đến xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn có sáu điểm có nguy cơ sạt lở lớn. Vì vậy, trước mắt sẽ cắm biển cảnh báo, sau đó có giải pháp khắc phục sớm, tránh tình trạng khi sạt lở xảy ra thì mới huy động lực lượng hót, dọn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện.

Theo dự báo, thời gian tới, mưa, lũ có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, các tỉnh miền núi phía bắc cần khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo cho chính quyền và các hộ dân biết, chủ động di dời đến nơi an toàn hoặc có phương án sơ tán khi xảy ra mưa lớn, tránh để “nước đến chân mới nhảy”.

 

NGỌC TUẤN và BÌNH TOÀN

Theo  nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm