Những bác sĩ của Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn đã lên ”chuyến xe” đầu tiên về với bốn tỉnh miền núi phía bắc. Từ những dự án thiết thực này, Bộ Y tế đang xây dựng phương án sẽ quy định nghĩa vụ đối với các bác sĩ trẻ mới ra trường, phải đi tuyến y tế cơ sở ở những vùng khó khăn, mới đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề.
Y tế cơ sở thiếu thốn nhân lực, nghèo nàn trang thiết bị
Hệ thống y tế công lập tại các vùng khó khăn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Ông Lục Văn Đại, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh dù đã có 90 trong tổng số 199 trạm y tế xã, phường được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia nhưng mới có 11 trạm được đầu tư xây dựng theo mô hình mới. Còn lại hầu hết được xây dựng từ khá lâu, cho nên đã xuống cấp, diện tích sử dụng chật hẹp và trang thiết bị y tế cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất của một số trạm y tế hư hỏng, xuống cấp hoặc quy mô không đáp ứng yêu cầu của chuẩn quốc gia. Công tác bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế do thiếu cán bộ có chuyên môn…
Tuy nhiên, thiếu thốn về nguồn nhân lực y tế chất lượng cao chính là nguyên nhân dẫn tới người dân mất niềm tin vào y tế cơ sở và chọn cách lên tuyến trên. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tại 62 huyện nghèo trên cả nước còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa.
Có bệnh viện huyện chỉ có sáu bác sĩ, không có bác sĩ chuyên khoa I; Có tám Trung tâm y tế huyện chỉ có ba bác sĩ; 20 huyện chỉ có một bác sĩ và có tới 17 huyện chưa có bác sỹ chuyên khoa I. Tại các huyện còn thiếu hụt các chuyên khoa hỗ trợ, ví dụ có bác sĩ ngoại nhưng không có bác sĩ gây mê, hồi sức cấp cứu, do vậy không thể triển khai phòng mổ.
Theo thống kê của Sở Y tế Cao Bằng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 40/199 trạm y tế xã, phường, thị trấn thiếu bác sĩ, nhiều trạm y tế không có bác sĩ. Nhiều trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhưng không có bác sĩ để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Tại Bệnh viện đa khoa Bắc Hà, Lào Cai, 10 năm qua không có bác sĩ nào mới về bệnh viện công tác. Hiện tượng ”chảy máu chất xám” cũng xảy ra nhiều ở các bệnh viện ở những vùng khó khăn. Ví dụ như, nhiều con em bản địa đi học ngành y về không chọn về địa phương công tác. Một số bác sĩ vững nghề, cũng không ở lại lâu với y tế cơ sở. Tự đào tạo là giải pháp chính mà bệnh viện Bắc Hà thực hiện để nâng cao tay nghề.
Bác sĩ Nguyễn Như Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Hà cho biết, hiện bệnh viện có nhu cầu khoảng 60 bác sĩ song hiện nay mới chỉ có 29 bác sĩ. Một số chuyên khoa quan trọng như tim mạch vẫn chưa có bác sĩ, trong khi đó mặt bệnh lại rộng, trải dài nên nhiều khi bản thân các nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân. Nhiều khi, một bác sĩ phải thực hiện khám, chữa bệnh cho những bệnh lý không phải là chuyên môn của mình. Bệnh viện cũng không thể thực hiện được khoảng hơn 50% những kỹ thuật đúng tuyến mà lẽ ra bệnh viện phải thực hiện được.
Do đó, Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện được đào tạo chuyên khoa I lên vùng cao sẽ là hoạt động thiết thực để hỗ trợ y tế tuyến cơ sở. Sau thời gian tuyển chọn từ hàng trăm hồ sơ đăng ký tình nguyện lên vùng cao, 78 bác sĩ trẻ đang được đào tạo theo Dự án đã sẵn sàng tinh thần về công tác tại 37 huyện nghèo trên cả nước. Trong đó, 25 bác sĩ được tuyển chọn công tác tại bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện thuộc Bộ, 53 bác sĩ tình nguyện trẻ được tuyển dụng về các bệnh viện tuyến tỉnh.
Luân phiên bác sĩ tuyến trên về cơ sở y tế vùng khó khăn
Theo Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định các sinh viên y khoa khi ra trường đều phải đào tạo thêm một thời gian nhất định, phải đi tuyến cơ sở, ưu tiên 62 huyện nghèo trên cả nước.
”Hy vọng lâu dài, chúng tôi tiến tới xây dựng Luật về trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế. Tất cả các sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp phải đi nghĩa vụ ở y tế cơ sở từ 3-5 năm, sau đó quay về mới được quyền thi và cấp chứng chỉ hành nghề” - ông Phạm Văn Tác cho biết.
Bộ trưởng Y tế chia sẻ, đây được coi là "nghĩa vụ” để các bác sĩ trẻ cống hiến sức trẻ cho y tế tuyến cơ sở, cọ sát với thực tiễn, với nhiều mô hình bệnh tật để nâng cao tay nghề, được thực hành lâm sàng nhiều cũng như học các kỹ năng quản lý và điều hành. Đây cũng là một trong những điều kiện để những nhân viên y tế này được nhận chính thức vào các cơ sở y tế công lập.
Bộ trưởng Y tế bày tỏ tâm huyết, nếu không xây dựng y tế tuyến xã, làm xương sống trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, sẽ không giải quyết được những vấn đề lớn của ngành y tế như các bệnh không lây nhiễm, vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em, về tuổi thọ và tầm vóc người Việt Nam.
Do đó, cần phải tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở bằng việc luân phiên các bác sĩ ở tuyến trên xuống công tác định kỳ tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Các bác sĩ tuyến huyện sẽ được cử đi học lâm sàng ở tuyến trên để nâng cao tay nghề. Mô hình này hiện nay Việt Nam còn đi chậm hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan.
Bộ trưởng cho hay, ngoài những thành tựu về phát triển y tế chuyên sâu với việc áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, nếu Việt Nam làm tốt y tế cơ sở bằng việc đưa kỹ thuật và nhân lực chất lượng cao về tuyến dưới, sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để tăng cường chất lượng cho tuyến y tế cơ sở, giúp người dân nơi đây tin và lựa chọn chăm sóc sức khỏe tại những cơ sở này mà không dồn lên tuyến trên.
Ngoài Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 để thực hiện tăng cường về nhân lực y tế chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến cho y tế cơ sở, Bộ Y tế đang thực hiện việc đổi mới toàn diện cơ chế đầu tư tài chính cho trạm y tế xã. Bộ cũng xem xét việc quy định bổ sung danh mục BHYT được thanh toán, về lâu dài BHYT cần thanh toán cho cả các hoạt động phòng bệnh; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã để triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Theo THIÊN LAM/ nhandan.com.vn