Trước tình hình mưa lớn xảy ra liên tiếp trên diện rộng tại các tỉnh Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, tại các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc đã liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn diện rộng (tổng lượng mưa tính từ giữa tháng 6 năm 2017 đến nay từ 300 - 700 mm, một số nơi trên 1.000 mm). Mưa lớn đã gây lũ lớn trên thượng nguồn sông Thao; lũ ống, lũ quét cục bộ, sạt lở đất, thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng tại một số địa phương; ngập úng ở đô thị; các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành cửa xả đáy điều tiết nước.
Hiện nay, đã bắt đầu thời kỳ mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ, đồng thời trên khu vực Bắc Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến nước ta trong thời gian tới.
Để chủ động ứng phó thiên tai diễn biến phức tạp, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đặc biệt là diễn biến của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông, bão và các hình thế thời tiết nguy hiểm có thể gây mưa lũ trên lưu vực sông Hồng, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương và Nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai có hiệu quả, đặc biệt là mưa lũ trong thời gian tới; quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện, đồng thời chủ động tích đủ nước vào cuối mùa lũ để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, triển khai các biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi, hồ đập thủy lợi; chủ động triển khai các phương án giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp khi xảy ra thiên tai.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý các hồ đập thủy điện triển khai phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy điện và hệ thống điện; thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, phối hợp vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho hạ du, đủ nước cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là giao thông vận tải thủy trên các dòng sông, các hồ chứa nước, bến đò, bến cảng,...
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các lực lượng cứu hộ cứu nạn rà soát phương án, chủ động phương tiện, lực lượng sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó thiên tai khi có yêu cầu.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng: Rà soát phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn, nhất là các phương án ứng phó với các tình huống lũ, bão, sạt lở đất, phương án bảo vệ đê điều, hồ đập. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra, đặc biệt lưu ý kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác, nhất là thông tin về vận hành điều tiết nước của các hồ chứa, tránh tạo tâm lý chủ quan, đồng thời tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Theo Chí Kiên/Chinhphu.vn