Tăng lương tối thiểu vùng, cần cân nhắc tới đời sống công nhân, người lao động.
Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Làm thế nào để vấn đề này không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế, tạo việc làm nhiều hơn… là bài toán không hề đơn giản đối với các ngành chức năng.
Lý do chính đáng
Ðề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam (đại diện người lao động) đề xuất mức tăng phải đạt 13,3% so với năm 2017. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thấy đời sống của người lao động còn khá khó khăn. So với nhu cầu sống tối thiểu của công nhân (CN), chúng tôi tính cần bù đắp mức lương tối thiểu khoảng 21%. Năm 2017, chúng ta đã tăng 7,3%, như vậy vẫn còn thiếu hụt khoảng 14% nữa so với đời sống tối thiểu của CN".
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI (đại diện giới chủ sử dụng LÐ) lại không đồng tình với mức tăng trên. Cho rằng với tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, đại diện VCCI khẳng định không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, hoặc nếu tăng chỉ nên dưới 5%. Trong bối cảnh chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa cao, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chi phí thủ tục hành chính còn lớn, một chuyên gia quốc tế về chính sách đã cảnh báo: Việc nóng vội tăng lương tối thiểu quá cao có thể làm các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc nhiều hơn quyết định đầu tư vào Việt Nam, thậm chí sẽ chuyển sang các nước có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, và như thế sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng việc làm được tạo ra.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất của Tổng LÐLÐ Việt Nam, ông Lê Ðình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LÐLÐ Việt Nam) cho rằng: "Ðề xuất mức tăng 13,3% dựa vào ba căn cứ: Thứ nhất, việc tăng lương đã có trong quy định của pháp luật (Ðiều 90, 91 của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ năm 2013) nhưng đến nay do điều kiện kinh tế xã hội và khả năng của doanh nghiệp (DN), nên chưa thực hiện đúng lộ trình theo quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng tôi muốn kết thúc lộ trình, đến năm 2018, mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Thứ hai, căn cứ vào điều kiện kinh tế- xã hội, năm 2017 nền kinh tế của Việt Nam có nhiều khởi sắc, GDP dự kiến năm 2017 tăng khoảng 6,7%; năng suất của người lao động thời gian gần đây tăng đáng kể (bình quân hằng năm tăng hơn 5%); chỉ số CPI dự kiến năm 2017 cũng trên 5%. Thứ ba, là đời sống của CN còn gặp khó khăn".
Cũng theo ông Lê Ðình Quảng, lương tối thiểu của Việt Nam hiện đang ở mức thấp trong khu vực, chỉ cao hơn Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a. Bên cạnh đó, tiền lương tối thiểu của Việt Nam nằm ở mức khoảng 50% tiền lương trung bình, trong đó khuyến nghị của quốc tế, tiền lương tối thiểu tốt nhất nằm ở mức 40-60% tiền lương trung bình. "Ðây là đề xuất ban đầu của Tổng LÐLÐ Việt Nam để Hội đồng tiền lương Quốc gia bàn bạc. Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn của DN, nhưng chúng tôi cũng muốn kết thúc sớm cuộc rượt đuổi giữa lương tối thiểu và cuộc sống tối thiểu. Nếu làm được như vậy, cũng là tạo động lực cho CN gắn bó, thúc đẩy DN phát triển", ông Quảng nhấn mạnh.
Thực ra bên nào cũng đưa ra lý do chính đáng. Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐ,TB và XH) Doãn Mậu Diệp, kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ bảo đảm hài hòa giữa người lao động và chủ sử dụng. "Cơ chế của Hội đồng tiền lương Quốc gia là đối thoại, thương lượng để tìm ra sự cân bằng, nhưng chúng ta nhiều khi quá nhấn mạnh vào tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu", ông Diệp nhấn mạnh.
Hướng tới sự cân bằng
Theo các công ước quốc tế, tiền lương tối thiểu không chỉ dựa trên mức sống tối thiểu mà còn là năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), khả năng chi trả của DN. Trong luật tiền lương tối thiểu của các nước cũng quy định: Tiền lương tối thiểu căn cứ vào mức sống tối thiểu, khả năng chi trả của DN cũng như bảo đảm sự phát triển lành mạnh của quốc gia. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thì thương lượng tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu. Tuy nước ta đã đạt những bước tiến lớn trong việc xác định tiền lương tối thiểu, nhưng thương lượng tập thể về tiền lương vẫn còn rất hạn chế. Theo Chuyên gia cao cấp ILO - bà Polaski, thương lượng tập thể cung cấp cho người lao động và người sử dụng lao động một cơ chế để kết nối tốt hơn giữa vấn đề tiền lương và tăng năng suất lao động, đồng thời giải quyết các tranh chấp, đôi bên cùng có lợi.
Nói về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp cho biết: Quan điểm của Bộ LÐ,TB và XH mong muốn hai bên thương lượng, thỏa thuận để đạt được cân bằng. Bởi nếu nâng tiền lương tối thiểu lên quá cao sẽ vượt quá khả năng chi trả của DN, dẫn đến phải sa thải bớt lao động. "Chúng tôi muốn rằng mọi thành quả của phát triển kinh tế - xã hội đều được chia sẻ giữa người lao động và DN, cố gắng tìm được sự cân bằng, làm sao cả hai bên đều chấp nhận được", ông Diệp nói.
Do các phương án vẫn đang được tranh luận nên Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục họp bàn để các bên thỏa thuận và tìm tiếng nói chung.
Theo HOÀNG TUẤN/ nhandan.com.vn