Bộ sưu tập ảnh "Di sản vô giá" nâng tầm vẻ đẹp và niềm tự hào của những cộng đồng người dân tộc, cùng nhau tạo nên một bức khảm đẹp đẽ về con người Việt Nam.
Một tác phẩm nhiếp ảnh trưng bày tại Triển lãm.
Khai mạc chiều 1/8, Triển lãm ảnh “Di sản vô giá” của Réhahn diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến ngày 1/10.
Réhahn là một nhiếp ảnh gia sinh ra tại Normandy, Pháp. Ông đã đi qua hơn 35 quốc gia trước khi quyết định chọn dừng chân tại Hội An, miền Trung Việt Nam và xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình.
Bộ sưu tập ảnh “Di sản vô giá" gồm các bức ảnh, trang phục truyền thống và hiện vật từ các nhóm người dân tộc ở Việt Nam mà nhiếp ảnh gia Réhahn đã sưu tầm khắp đất nước từ năm 2011.
35 bức ảnh giới thiệu tại triển lãm của Réhahn đã cho thấy các giá trị văn hóa dân tộc giàu có và đa dạng của Việt Nam. Những bức chân dung của các cụ bà và trẻ con nổi tiếng của anh từ các vùng miền của đất nước, đại diện cho các nhóm dân tộc từ hàng trăm ngàn người đến vài trăm người như dân tộc Ơ Đu hoặc một bức chân dung độc đáo của người Rơ Măm... ở những bản làng xa xôi.
Nhân vật trong các bức ảnh đều được chụp trong trang phục truyền thống, tất cả nhằm biểu trưng cho các phong tục tập quán và những kiến thức cổ xưa được truyền từ đời này sang đời khác.
Réhahn tin rằng, “cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hoá của các nhóm người dân tộc là thúc đẩy họ mạnh dạn ra khỏi cộng đồng, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản và phong tục tập quán trong văn hoá của mình”.
Theo Réhahn, một vài tộc người chỉ có dân số khoảng vài trăm người. Chỉ còn người già có thể nói được ngôn ngữ gốc và làm các bộ trang phục, vì thế mỗi ngày chúng ta đang dần mất đi những di sản dân tộc, không chỉ riêng Việt Nam mà thế giới cũng đang mất đi một di sản.
Một ngày nào đó, trang phục của một nhóm dân tộc bất kỳ có thể sẽ biến mất, những câu chuyện truyền miệng bị quên lãng, các kỹ thuật chế tác công cụ, nhạc cụ cũng sẽ biến mất nếu không làm gì để bảo tồn và thật là một thảm họa nếu đánh mất đi các nền văn hóa được tạo ra qua nhiều thế kỷ.
Với mục tiêu quảng bá hình ảnh các nhóm dân tộc Việt Nam đến thế giới rộng rãi hơn, Réhahn tin rằng khi nói nhiều về các dân tộc, mọi người sẽ càng quan tâm hơn và sẵn sàng bảo vệ văn hóa. “Qua cuộc triển lãm này, công chúng sẽ tiếp cận được các nền văn hóa cổ xưa mà có lẽ ít có dịp nhìn thấy được, bởi các ngôi làng luôn nằm rải rác trên các ngọn núi và rất khó để đến”, Réhahn chia sẻ.
“Văn hóa là con đường cải thiện xã hội mạnh mẽ nhất, giúp con người nhận thức về những di sản mà họ nên cảm thấy tự hào và sống khoan dung hơn”, nhiếp ảnh gia Réhahn tin tưởng.
Theo Phương Liên/ Chinhphu.vn