Tại BV Nhi TW hay tại Khoa Nội Nhi tổng hợp (Bệnh viện E), số lượng bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết gia tăng, có đêm 6 trẻ bị sốt xuất huyết vào viện. Điều đáng nói là có nhiều trẻ đã bị biến chứng nặng vì “dính” sốt xuất huyết
6 trẻ nhâp viện vì sốt xuất huyết trong 1 đêm
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.W cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số trẻ đến khám sốt xuất huyết tăng cao gần 10 lần với 185 trẻ. Trong đó hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng.
Tại BV E, TS.Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (BV E) cho biết, lượng bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang gia tăng, có đêm khoa Cấp cứu tiếp nhân 6 trẻ bị sốt xuất huyết. Hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết với nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng. Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi.
Tuy nhiên, TS Hiền cho biết, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. “Các bác sĩ túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường”- TS Hiền nói
TS Hiền cũng cho biết thêm, để có thể phục vụ bệnh nhân nhi tốt nhất, hiện khoa có 40 giường bệnh điều trị với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hiện đại như máy thở, oxy và khí nén áp lực, các máy theo dõi monitoring, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, siêu âm, điện tâm đồ… cùng với đội ngũ bác sĩ là những bác sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao hằng ngày chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhi
Bác sĩ của Bệnh viện E đang thăm khám cho trẻ bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết nguy hiểm với trẻ em do hệ miễn dịch kém
Từ thực tế điều trị, TS Lương Thu Hiền khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy người lớn phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết
Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục ≥ 38,5oC
Toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau các khớp, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu.
Xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt.
Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng hay hành kinh sớm hơn và kéo dài.
Đau bụng âm ỉ.
Buồn nôn, nôn hay nôn khan.
Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu nặng: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc ra máu đỏ tươi.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu sau:
Trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vật vã, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
Trẻ buồn nôn và nôn.
Đau bụng.
Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ)
Tiểu ít, đi ngoài phân đen
Chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà:
Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị SXHD phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi.
Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Cho trẻ uống nhiều nước: Nước Oresol, nước lọc, nước cam, nước dừa…
Cho trẻ ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin: Rau, nước quả ép.
Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.
Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
Theo Thái Bình/ suckhoedoisong.vn