Cập nhật: 13/08/2017 15:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xét nghiệm máu cho người bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MINH HÀ

Dù thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt dập dịch sốt xuất huyết nhưng hiện dịch vẫn bùng phát mạnh, số người mắc liên tiếp tăng trong hai tuần vừa qua và có khả năng tiếp tục tăng trong những tuần tiếp theo. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã họp khẩn đề nghị Hà Nội quyết liệt hơn, nhằm khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết.

Mỗi tuần có thêm 1.000 người sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại Hà Nội. Mặc dù ngành y tế Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên dịch bệnh lây lan nhanh. Trong những tuần gần đây, mỗi tuần có thêm khoảng 1.000 người bị SXH, đưa tổng số người bị mắc SXH trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay lên đến 13.982 người, tăng hơn mười lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đã có bảy người chết.

Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp tại Thủ đô, Bộ Y tế đã họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội: "Vì sao Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh để nước đọng sinh ra muỗi, nhiều nơi tiến hành phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng; tiền để mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị đủ cả, mà số người mắc mới vẫn tăng, số người nhập viện vẫn tăng?". Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh cho rằng, tình hình SXH tại Hà Nội năm nay nằm trong bối cảnh chung của thế giới, cũng như ở Việt Nam. Theo dõi của ngành y tế trong mười năm qua cho thấy SXH vẫn lưu hành ở Hà Nội. Vào năm 2009, Hà Nội có hơn 16 nghìn người mắc, trong đó có bốn người chết; năm 2015 có hơn 15 nghìn người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Từ đầu năm 2017 đến nay, số người bị SXH tăng mạnh do thời tiết mưa nhiều, môi trường ẩm ướt. Ðáng lo ngại là những năm trước, tại Hà Nội chỉ có hai tuýp gây bệnh SXH là vi-rút Dengue tuýp 1 và tuýp 2, nhưng hiện nay đã xuất hiện thêm vi-rút Dengue tuýp 3 và tuýp 4, người mắc bệnh do vi-rút tuýp này gây ra vẫn có thể mắc bệnh do vi-rút tuýp khác ở lần sau. Hơn nữa, chưa có biện pháp đặc hiệu như vắc-xin hay thuốc điều trị. Biện pháp phòng SXH hiện nay là dựa vào cộng đồng để diệt muỗi, bọ gậy, tuy nhiên vẫn chưa triệt để, do người dân vẫn chưa ý thức dọn vệ sinh các dụng cụ chứa nước có bọ gậy sinh nở và phối hợp với ngành y tế khi phun hóa chất diệt muỗi.

Khẩn trương dập dịch

Trước tình hình khẩn cấp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị thành phố phải huy động thêm máy phun công suất lớn từ các tỉnh, có thể mượn máy phun từ Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái. Bộ trưởng chỉ đạo: "Trước mắt phải tập trung phun thuốc trong nhà người dân, trong trường học, bệnh viện, công trình xây dựng… Ðồng thời dùng máy phun công suất lớn phun ngoài đường. Hà Nội mới có hai xe phun thuốc thì chưa đáp ứng nhu cầu trong lúc này. Tôi đề nghị phải có 20 xe. Lãnh đạo Bộ sẽ đi kiểm tra xem có đủ xe, đủ máy không và phải phun đúng kỹ thuật".

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã thành lập ba đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh SXH. Bên cạnh đó, thiết lập văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh. Thành phố Hà Nội đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy. Mỗi đội phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu công cộng để đốc thúc, kiểm tra việc diệt bọ gậy. Ðến ngày 10-8, 25 quận, huyện trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, 308 xã, phường trong tổng số 584 xã, phường đã thành lập đội xung kích này. Giám sát hoạt động của đội ngũ này là lãnh đạo thôn, tổ dân phố.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tất cả các bệnh viện trên toàn thành phố được yêu cầu tăng giờ khám, tăng bàn khám, mở rộng các khu điều trị, sắp xếp lại các phòng làm việc. Những khoa ít bệnh nhân sẽ điều động nhân lực để hỗ trợ khoa đông bệnh nhân với tinh thần cao nhất, quyết tâm tốt nhất, điều trị nhanh nhất cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, PGS,TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV đã chỉ đạo các đơn vị, khoa, phòng dành mọi sự hỗ trợ về thuốc, dịch, nhân lực, vật lực cho Khoa Truyền nhiễm - nơi chuyên điều trị các bệnh nhân SXH, được hoạt động tốt nhất. Khoa Da liễu bố trí một cơ số buồng bệnh để luân chuyển bệnh nhân từ Khoa Truyền nhiễm về điều trị. Bên cạnh đó, BV cũng thay đổi thời gian làm việc từ 7 giờ đến 17 giờ; yêu cầu bác sĩ, điều dưỡng viên đi làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật để tập trung chống dịch. BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đưa vào sử dụng Trung tâm chăm sóc ban ngày ngay tại Hội trường BV với 20 giường bệnh nhằm giảm tải cho các phòng điều trị. Giám đốc BV Nguyễn Văn Kính cho biết, hơn một tháng qua, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh SXH. Cao điểm, có ngày tiếp nhận từ 800 đến 1.200 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội. BV Ða khoa Ðống Ða là đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH nhất trong số các BV của Hà Nội, với khoảng 400 - 500 bệnh nhân/ngày, trong đó 20% số bệnh nhân phải nhập viện. Tại Khoa Cấp cứu của BV, suốt từ tháng 5 đến nay, hai bác sĩ, ba điều dưỡng viên khám cho 150 bệnh nhân/ngày. Phòng làm việc của bác sĩ cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch. BV đã phải huy động thêm bác sĩ, điều dưỡng viên từ các khoa khác để hỗ trợ.

Sở Y tế cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SXH cho hơn 100 bác sĩ của các bệnh viện công lập, ngoài công lập, trưởng phòng khám đa khoa các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và cán bộ phụ trách chuyên môn các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện phân loại bệnh nhân ngay từ "đầu vào" cũng như thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện được yêu cầu thành lập đội xung kích vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Ðội xung kích kiểm tra, hướng dẫn và cùng cán bộ các khoa, phòng xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước, đồ vật có khả năng chứa nước, các ổ bọ gậy trong khuôn viên bệnh viện. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải làm tốt công tác phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, thực hiện đúng yêu cầu về phân luồng điều trị; theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh, khi phát hiện có dấu hiệu tiến triển nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị phải kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Ðối với bệnh viện có nhiều bệnh nhân SXH đến khám và điều trị phải bố trí khu vực khám riêng bệnh nhân SXH.

Ngày 11-8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã ký ban hành Văn bản số 3905/UBND-KGVX yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp phòng, chống SXH. Lãnh đạo thành phố yêu cầu, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể và toàn thể người dân tham gia vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống dịch SXH vào sáng 12-8. Chiến dịch sẽ duy trì thường xuyên, liên tục vào các tuần tiếp theo, cho đến ngày 4-9. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thành lập ngay các đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống SXH; duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức kiểm tra lại các ổ dịch đã xử lý. Bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống SXH. Kiên quyết xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện hoặc không hợp tác thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH. Hằng tuần tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm khống chế hiệu quả dịch SXH tại địa phương.

Hỗ trợ các địa phương hóa chất, dụng cụ phòng, chống sốt xuất huyết

Ngày 11- 8, Bộ Y tế cho biết: Bộ đã cấp gần 11.000 lít hóa chất diệt muỗi; 3.250 bộ trang phục phòng, chống dịch; 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng cho các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã thành lập ba đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh SXH để kịp thời hỗ trợ các địa phương khi cần thiết...

Theo dự báo, thời gian tới dịch bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu ngành y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để. Thí điểm các biện pháp mới trong phòng, chống SXH như phun tồn lưu, phun mù nóng; khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên. Phối hợp chặt chẽ các ngành xây dựng; tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng. Huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy tại gia đình, ký túc xá, nhà trọ, nhất là trong dịp tựu trường sắp tới…

 

Theo HOÀNG HƯƠNG/ nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm