PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh cho biết, tại các tỉnh, thành phố phía nam mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay tình hình sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm số ca mắc. Nguyên nhân là do các địa phương mới chú trọng đến biện pháp điều trị hay dập dịch bằng cách phun hóa chất ở những nơi có nhiều muỗi mà không quan tâm vận động người dân diệt loăng quăng.
Theo điều tra của Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh, tại một địa phương sau khi được phun hóa chất diệt muỗi nhưng chỉ số loăng quăng, bọ gậy (chỉ số BI) vẫn vượt mức ngưỡng an toàn.
Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền vận động người dân bằng các thông báo trong các buổi họp dân phố hay thông báo qua hệ thống loa truyền thanh sẽ không hiệu quả mà cần phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động từng người dân tham gia. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Thanh Hà cho biết, qua các đợt kiểm tra, giám sát, hầu hết người dân đều có kiến thức về phòng, chống dịch bệnh SXH nhưng ý thức, hành vi phòng, chống dịch của một bộ phận người dân còn hạn chế. Một số hộ dân chưa tự giác thực hiện các hoạt động giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, ngủ màn, đổ bỏ các vật dụng phế thải chứa nước… Do đó, các ổ chứa loăng quăng trên địa bàn còn rất nhiều và số người mắc SXH vẫn còn gia tăng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nam, dịch SXH trên địa bàn tỉnh này vẫn diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh tiếp tục tăng. Tính đến ngày 14-8, toàn tỉnh có 225 người mắc SXH. Hiện, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam có 50 người bệnh nằm điều trị, trong khi đó cả khoa chỉ có 25 giường bệnh. Bệnh viện đã phải huy động giường từ các khoa khác và cho những trường hợp tương đối ổn định xuất viện, tiếp tục điều trị tại nhà. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch SXH các cấp của tỉnh Hà Nam đang tập trung công tác kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; tổ chức trực chống dịch suốt 24 giờ tại các đơn vị; giám sát điều tra, xử lý các ổ dịch và các trường hợp tản phát; tổ chức tuyên truyền người dân tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại vùng xảy ra dịch và vùng có nguy cơ cao, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.
* Sở Y tế Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 14-8, ngành y tế Hà Nội triển khai phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống bệnh SXH trên diện rộng tại các quận, huyện có số người mắc SXH cao. Ngay trong sáng 14-8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã huy động hơn 40 máy phun hóa chất các loại để tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình, cơ quan, trường học, khu vực công cộng trên địa bàn. Trong đợt này, 19 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ ngành y tế Hà Nội các máy phun hóa chất (ULV) công suất lớn để cấp cho các đơn vị y tế quận, huyện; Bộ Y tế hỗ trợ 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng lần này sẽ được tiến hành bằng hình thức “cuốn chiếu”. Trước mắt, sẽ tập trung phun hóa chất trên địa bàn các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông… Bên cạnh việc phun hóa chất diệt muỗi, ngành y tế Hà Nội đề nghị người dân tham gia tích cực hơn trong chiến dịch diệt bọ gậy, thu gom phế liệu, các vật dụng chứa nước để bọ gậy không có chỗ trú ngụ, sinh sôi và phát triển tại gia đình và cộng đồng mà các địa phương đang triển khai.
Theo nhandan.com.vn