Cán bộ Trạm y tế xã Lực Hành (Yên Sơn, Tuyên Quang) tuyên truyền cách phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân. Ảnh: MINH HOA
Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng số lượng người mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn tiếp tục tăng cao tại nhiều địa phương. Thực tế này đang đòi hỏi ngành y tế, các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, khi đỉnh dịch SXH được dự báo còn ở phía trước.
Diệt muỗi, bọ gậy để ngăn chặn SXH
Nguyên nhân làm cho số người mắc SXH tăng cao được chỉ rõ do dịch năm nay xuất hiện sớm, nhất là tại một số tỉnh khu vực phía bắc; diễn biến bất thường của thời tiết: mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước kèm theo lượng mưa tăng cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý triệt để, dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy (loăng quăng)... Ý thức phòng bệnh của người dân và một số, cấp, ngành chưa cao, còn tư tưởng cho rằng công tác phòng, chống dịch bệnh SXH là "chuyện riêng" của ngành y tế.
Kết quả kiểm tra, khảo sát trên địa bàn Hà Nội cho thấy, khi các cơ quan chức năng tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, dù được vận động, thông báo trước nhưng vẫn còn 10% số hộ gia đình đi vắng cả ngày; 7% số hộ không đồng ý cho phun hóa chất và 5% đi vắng khi nhân viên y tế phun hóa chất. Ðáng lo ngại, hầu hết người dân đều có kiến thức về bệnh, nhưng hành vi tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH lại rất kém. Chính vì vậy, việc phun hóa chất diệt muỗi mà ngành y tế đang triển khai tại nhiều địa phương chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn. Không ít địa phương hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào việc phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch, các khu vực có nguy cơ cao, mà chưa chú trọng đến việc huy động cộng đồng tham gia diệt bọ gậy. Việc kiểm soát người mang mầm bệnh SXH từ địa phương này sang địa phương khác cũng hết sức khó khăn.
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi để giảm số người mắc bệnh, khống chế dịch SXH lây lan và bùng phát tại các địa phương. Cần huy động người dân tham gia tích cực hơn nữa trong việc diệt bọ gậy tại cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện, hoặc không hợp tác trong phòng, chống SXH theo quy định của pháp luật. Diệt bọ gậy không chỉ thực hiện tại các hộ gia đình, khu dân cư, mà cần tập trung tại các công trường xây dựng, trường học, nơi công cộng bằng việc loại bỏ các vật dụng chứa nước như: lu, thùng phuy, rác thải sinh hoạt như hộp nhựa đựng thức ăn, nước uống... Ngành y tế các địa phương thực hiện việc lập danh sách, in bảng kiểm các dụng cụ chứa nước có thể là nơi muỗi đẻ trứng, nở bọ gậy để người dân biết; đồng thời giúp cán bộ trong quá trình kiểm tra, giám sát tiến hành rà soát tránh bỏ sót các ổ bọ gậy; thành lập đội diệt bọ gậy phòng chống SXH tại các xã, phường, thôn, tổ dân phố.
Hiện ở 61 tỉnh, thành phố đã có người mắc SXH. Ngoài Hà Nội, nhiều địa phương khác có số người mắc nhiều như TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, An Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước... Kết quả giám sát véc-tơ của cơ quan chức năng cho thấy nhiều địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao, vì vậy ngành y tế cần tăng cường công tác giám sát, thực hiện điều tra dịch sớm, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Tiến hành thí điểm biện pháp mới trong phòng, chống SXH như phun tồn lưu và phun mù nóng; khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH...
Phân luồng điều trị người bệnh
Số lượng người mắc SXH liên tục tăng gây quá tải cho các cơ sở điều trị. Bộ Y tế và các bệnh viện phải triển khai nhiều giải pháp, từ tập trung nhân lực; kê thêm giường bệnh; bổ sung trang thiết bị, thuốc… đến phân tuyến trong thu dung, tiếp đón để điều trị kịp thời người bệnh. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư khám cho khoảng 1.000 lượt người bị SXH, trong đó khoảng 10% số người bệnh phải nhập viện điều trị nội trú, còn lại điều trị tại khu điều trị ban ngày hoặc tư vấn, hướng dẫn điều trị theo dõi tại nhà. Ðáng chú ý, hơn 80% số người bệnh điều trị nội trú sống ở các quận, huyện của Hà Nội như: Ðống Ða, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng... Còn các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội như: Thanh Nhàn, Ðống Ða, Hà Ðông, Xanh-pôn… mỗi ngày cũng có hàng trăm người bệnh SXH đến khám, nhập viện điều trị.
Chính vì vậy, ngoài biện pháp quyết liệt dập dịch ở cộng đồng, các bệnh viện cần nghiên cứu sắp xếp lại khâu khám sàng lọc bệnh và thu dung, bố trí buồng bệnh liên hoàn, hợp lý, tăng cường giáo dục kiến thức cho người dân, giúp người dân hiểu đúng về bệnh SXH, tránh hoang mang, lo lắng không đáng có. Vì người bệnh quá đông, trong khi khoa cấp cứu không được nằm ghép nên công tác chẩn đoán bệnh, phân loại, giải quyết hồ sơ, chuyển khoa, chuyển tuyến cần thực hiện liên tục. Hiện các bệnh viện cũng tổ chức đường dây nóng, luân phiên cử bác sĩ vừa trực cấp cứu, vừa trả lời điện thoại tư vấn chuyên môn cho người bệnh SXH… Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương, nhất là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tăng cường sàng lọc bệnh, mở rộng đơn vị điều trị ban ngày, kê thêm giường bệnh; xem xét chuyển những người bệnh không mắc SXH về điều trị tại cơ sở 2 (tại Kim Chung, Ðông Anh, Hà Nội); đồng thời tăng cường chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện; chỉ đạo các bệnh viện vệ tinh theo dõi sát người bệnh trên nền một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường… để hạn chế thấp nhất số người chết.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị, khâu đột phá giảm tải cho bệnh viện là ở khu vực phòng khám. Vì vậy cần bố trí nhân sự ở phòng khám là các bác sĩ có kinh nghiệm và bản lĩnh để sàng lọc bệnh một cách chính xác. Xây dựng chi tiết bảng hướng dẫn đánh giá lâm sàng với các dấu hiệu quan trọng để bác sĩ quyết định có cho người bệnh nhập viện hay không. Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh SXH không cao, cho nên phần lớn người bệnh có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, đối với người bệnh điều trị tại nhà, cần được theo dõi và dặn dò kỹ, từ việc uống nhiều nước, chế độ dinh dưỡng, hạ sốt… khi có dấu hiệu bất thường cần được nhập viện, tái khám hằng ngày cho đến hết ngày thứ bảy hoặc hết sốt hơn 48 giờ.
Các bệnh viện nên thành lập tổ tham vấn, tập hợp những thầy thuốc có trình độ và kinh nghiệm điều trị SXH tham gia trực tham vấn, sẵn sàng hội chẩn, góp ý cho kíp trực xử trí những trường hợp SXH nặng. Các bệnh viện tuyến trên thiết lập đường dây nóng giúp tuyến dưới xử trí những ca khó. SXH là bệnh, ai cũng có thể mắc, nhưng có tính chu kỳ, nghĩa là có ngày bắt đầu và ngày kết thúc (nếu không có biến chứng sẽ tự khỏi trong vòng bảy ngày) nên người dân cần cảnh giác, nhưng bình tĩnh, hợp tác với thầy thuốc theo dõi và chăm sóc người bệnh. Hiểu đúng diễn biến của bệnh và tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc thì bệnh SXH sẽ được điều trị thành công.
Theo HAI TRUNG/nhandan.com.vn